1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Rắn hổ mang điên cuồng tấn công chuyên gia bắt rắn

T.Thủy

(Dân trí) - Bị chuyên gia bắt rắn trêu đùa, con rắn hổ mang cực độc đã liên tục tung ra những cú mổ chết người.

Các công nhân đang làm việc tại một khu vườn ươm cây giống ở thành phố Pune (bang Maharashtra, Ấn Độ) đã có một phen hoảng hốt khi phát hiện thấy một con rắn cỡ lớn xuất hiện trong khuôn viên. Các công nhân này lập tức gọi điện cho các chuyên gia bắt rắn để nhờ hỗ trợ.

Khi Saidas Kusal, một chuyên gia bắt rắn kỳ cựu, có mặt tại hiện trường, con rắn đã chui xuống trốn phía dưới một chậu cây nhưng vẫn liên tục phát ra âm thanh cảnh báo đầy đáng sợ. Kusal mất không quá nhiều thời gian để dụ được con rắn ra ngoài và xác định đây là một con rắn hổ mang Ấn Độ.

Rắn hổ mang cực độc điên cuồng tấn công chuyên gia bắt rắn (Video: Newsflare).

Bằng kinh nghiệm của mình, Kusal đã liều lĩnh dùng tay không trêu đùa con rắn. Tức giận vì bị làm phiền, con rắn hổ mang cực độc ngóc cao đầu và liên tục tung ra những cú cắn chết chóc nhằm vào Kusal, nhưng ông đã tránh được một cách dễ dàng.

Sau một hồi trêu đùa con vật, Kusal đã sử dụng thanh gỗ ngắn để bắt giữ con rắn một cách dễ dàng, thay vì dùng công cụ chuyên dụng, rồi nhốt con vật vào trong túi đựng. Kusal sau đó mang con rắn độc đến một khu vực cách xa khu dân cư để thả tự do.

"Các loài rắn, kể cả rắn độc, thường tìm cách lẩn trốn khi đối mặt với con người. Tuy nhiên, đây là một con rắn hổ mang hung hãn khác thường, nó thực sự gây nguy hiểm cho những người làm việc tại đây", Kusal cho biết sau khi bắt giữ con rắn.

Rắn hổ mang Ấn Độ là một trong "tứ đại rắn độc" tại Ấn Độ, là 4 loài rắn độc gây ra nhiều ca tử vong do rắn cắn nhất tại quốc gia này, bao gồm rắn hổ mang Ấn Độ, rắn cạp nia Ấn Độ, rắn lục Russell và rắn lục vảy cưa.

Rắn hổ mang Ấn Độ có kích thước vừa phải, chiều dài đạt từ một đến 1,5m, có trường hợp dài đến hơn 2m nhưng hiếm gặp. Rắn hổ mang Ấn Độ thường ăn các loài động vật gặm nhấm, cóc, ếch và các loài rắn khác.

Do chế độ ăn uống và săn bắt chuột nên loài rắn hổ mang này thường xuất hiện tại các khu vực sinh sống của con người, dẫn đến nhiều vụ rắn cắn do hổ mang Ấn Độ gây ra. Tuy nhiên, loài rắn này lại được tôn kính trong văn hóa và tôn giáo tại Ấn Độ.

Theo NDTV