"Quái vật tiền sử" dài gấp 3 lần khủng long bạo chúa
(Dân trí) - Danh hiệu loài khủng long dài nhất thế giới có thể sẽ thuộc về Supersaurus - một loài khủng long ăn cỏ, sống cách đây khoảng 150 triệu năm từ kỷ Jura.
Dựa trên những nghiên cứu về hóa thạch của loài Supersaurus, Brian Curtice - một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Arizona cho biết chiều dài của một con Supersaurus trưởng thành có thể lên tới 39 mét, và thậm chí 42 mét tính từ mõm tới đuôi.
Để so sánh, chúng ta có Tyrannosaurus, còn gọi là khủng long bạo long - một trong số những động vật ăn thịt lớn nhất mọi thời đại, nhưng cũng chỉ dài khoảng 12 mét dựa trên các mẫu vật được tìm thấy. Như vậy, một con Supersaurus có thể dài gấp 3,5 lần so với Tyrannosaurus và cao gấp đôi.
Để có được phát hiện này, Curtice đã dựa trên những mẫu xương hóa thạch của những con Supersaurus đầu tiên được phát hiện vào năm 1972. Tuy nhiên, do các mẫu này khá rời rạc, khiến cho việc ước tính chính xác độ dài của chúng là một thách thức.
Loài khủng long này được cho là dài hơn cả những biến thể cùng loài khác như Diplodocus với kỷ lục 33 mét theo một nghiên cứu năm 2006.
Kể từ lần phát hiện đầu tiên, các nhà cổ sinh vật học chỉ phát hiện 2 phần của bộ xương hóa thạch được cho là của Supersaurus - bao gồm một bộ có biệt danh "Jimbo" và một bộ khác có tên "Goliath" - ở bang Wyoming (Mỹ).
Điều thú vị là Supersaurus có thể được ghi nhận như loài khủng long dài nhất, nhưng nó không phải là loài nặng nhất. Vinh dự này thuộc về loài Argentinosaurus với trọng lượng lên tới 90 tấn, tức gần gấp đôi so với một con Supersaurus trưởng thành.
Trong khi đó, sinh vật tiền sử dài nhất được ghi nhận thậm chí không phải là khủng long. Danh hiệu này thuộc về một con Siphonophore với chiều dài lên tới 45 mét. Đây là một sinh vật trong suốt, dạng ống, có xúc tu giống như san hô. Chúng sống rất sâu dưới đáy đại dương tại vùng biển ngoài khơi nước Úc.