1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Quái vật Kraken huyền thoại có thực sự tồn tại?

Trang Phạm

(Dân trí) - Thần thoại Scandinavia cho rằng, Kraken có khả năng nuốt chửng cá voi và ăn các con tàu. Nó được mô tả như một phiên bản khổng lồ của một con bạch tuộc hoặc mực.

Quái vật Kraken huyền thoại có thực sự tồn tại? - 1

Các truyền thuyết thậm chí tin sinh vật biển đáng sợ này có chiều dài lên đến… 1,6km.

Trước đó, mặc dù Kraken lần đầu tiên được ghi nhận trong câu chuyện Örvar-Oddr của Iceland vào thế kỷ XIII, một nhà nghiên cứu tin rằng ông có bằng chứng hóa thạch có liên quan đến sinh vật này và khẳng định nó có thực.

Một số ý kiến khác cho rằng lịch sử của Kraken bắt nguồn từ một tài liệu được viết vào năm 1180 bởi Vua Sverre của Na Uy.

Đối với những nhà hàng hải thời xưa, biển cả gian nan và nguy hiểm, ẩn chứa một bầy quái vật dưới độ sâu khó lường. Bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với một loài động vật không xác định đều có thể trở thành thần thoại.

Sức mạnh của huyền thoại trở nên mạnh mẽ đến mức Kraken vẫn có thể được tìm thấy trong các cuộc khảo sát khoa học hiện đại đầu tiên của châu Âu về thế giới tự nhiên vào thế kỷ XVIII. Ngay cả Carl Linnaeus, cha đẻ của phân loại sinh học hiện đại cũng đã không thể tránh được điều đó và ông đã đưa Kraken vào danh sách động vật thân mềm cephalopod trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách Systema Naturae mang tính đột phá năm 1735.

Quái vật Kraken huyền thoại có thực sự tồn tại? - 2

Vào năm 1853, một con cephalopod khổng lồ được tìm thấy mắc cạn trên một bãi biển Đan Mạch, nhà tự nhiên học người Na Uy Japetus Steenstrup đã tìm thấy được đầu mỏ của con vật và sử dụng nó để mô tả một cách khoa học về loài mực khổng lồ.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã tranh luận rất nhiều về việc liệu mực khổng lồ là một thợ săn nhanh nhẹn như những kẻ săn mồi mạnh mẽ trong truyền thuyết hay một kẻ săn mồi phục kích. Sau nhiều thập kỷ thảo luận, một câu trả lời đã có vào năm 2005 với những thước phim chưa từng có từ các nhà nghiên cứu Nhật Bản T. Kubodera và K. Mori. Họ đã quay một được con mực khổng lồ sống trong môi trường sống tự nhiên, sâu 900m ở Bắc Thái Bình Dương, cho thấy nó thực chất là một loài bơi nhanh và mạnh, sử dụng các xúc tu của mình để bắt con mồi.

Bất chấp kích thước và tốc độ lớn, mực khổng lồ có một kẻ săn mồi chúng đó là cá nhà táng. Các trận chiến giữa những sinh vật khổng lồ này khá thường xuyên, vì người ta thường tìm thấy những vết sẹo trên da cá voi do xúc tu và cánh tay của mực để lại. Nhưng mực khổng lồ không có các cơ trong các xúc tu của nó để sử dụng chúng siết chặt con mồi nên nó không bao giờ có thể vượt qua cá nhà táng trong một cuộc "đấu tay đôi". Lựa chọn duy nhất của nó chính là chạy trốn, mở đường thoát bằng đám mây mực như các loài mực khác.

Đến năm 2011, hóa thạch của một con thằn lằn biển lại cho thấy một mô hình kỳ lạ mà một nhà nghiên cứu cho rằng đó là do một con bạch tuộc giống mô tả về Kraken gây ra.

Tuyên bố này sau đó đã bị chỉ trích rất nhiều, nhưng Giáo sư McMenamin, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Mount Holyoke ở Massachusetts, đã ủng hộ kết luận với những phát hiện khác.

Bằng chứng được đưa ra có liên quan đến các đốt sống bò sát biển đã được tìm thấy trong Công viên Tiểu bang Berlin - Ichthyosaur ở Nevada. Sinh vật này được gọi là ichthyosaur và sống cách đây khoảng 200 đến 250 triệu năm.

Quái vật Kraken huyền thoại có thực sự tồn tại? - 3
Hình ảnh các dấu vết được cho là xúc tu được các nhà nghiên cứu tìm thấy.

Vấn đề đáng chú ý là xương hóa thạch cho thấy nó đã bị tấn công bởi một kẻ săn mồi lớn hơn nhiều. Đây chính là cơ sở nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng nó là bạch tuộc hoặc mực khổng lồ từng thống trị các vùng biển.

Các nhà nghiên cứu ước tính sinh vật đánh bại ichthyosaur phải dài khoảng 30 mét, con số này vượt xa loài bạch tuộc khổng lồ lớn nhất được biết đến hiện nay.

Hóa thạch được xác định là một phần của loài bạch tuộc khổng lồ hoặc sinh vật giống mực, cùng với nhiều xương được sắp xếp theo các mô hình khác thường có dấu hiệu của giác hút trên xúc tu. Bên cạnh đó là các mảnh xương nằm rải rác cũng được tìm thấy cùng với phần còn lại của ichthyosaur.

Trong khi đó, giáo sư McMenamin khẳng định rằng sự sắp xếp của các xương và vị trí của các dấu vết giác hút cho thấy ichthyosaur đã bị chết đuối hoặc bị gãy cổ. Có vẻ như con quái vật đã được di chuyển, có thể đến hang ổ của Kraken, nơi nó bị vứt bỏ.

Mặc dù giờ đây vẫn chưa thể khẳng định Kraken chỉ là huyền thoại hay sinh vật có thực, nhưng loài mực khổng lồ có lẽ vẫn là loài động vật lớn khó nắm bắt nhất trên thế giới, điều này đã góp phần rất lớn vào sự bí ẩn của nó.