1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Quá trình biến bột mì thành các khoang vi xốp lưu giữ CO2

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã cho thấy quá trình “carbon hóa” bột mì tạo thành các lỗ xốp nhỏ xíu lưu giữ CO2, thể hiện công nghệ tái tạo để giảm sự phát thải CO2 vào khí quyển của ngành công nghiệp

Arthur Dysart - Nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường Purdue đang vận hành hệ thống đo lường sự hấp thụ các phân tử khí trên bề mặt carbon rắn. Anh làm việc trong nhóm phát triển các vật liệu lưu giữ CO2 – một chiến lược nhằm giảm các tác động của biến đổi khí hậu.
Arthur Dysart - Nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường Purdue đang vận hành hệ thống đo lường sự hấp thụ các phân tử khí trên bề mặt carbon rắn. Anh làm việc trong nhóm phát triển các vật liệu lưu giữ CO2 – một chiến lược nhằm giảm các tác động của biến đổi khí hậu.

Phó giáo sư Vilas Pol từ Trường Kỹ thuật Hóa học và Trường kỹ thuật Vật liệu của Đại học Purdue cho biết, “Với sự gia tăng lượng khí thải CO2, hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn đang gia tăng, kéo theo các sự thay đổi khí hậu bất thường. Vì vậy, bắt buộc phải phát triển các phương pháp hiệu quả để thu giữ CO2”.

Các nhà nghiên cứu từ trường Purdue đã phát triển một quá trình tạo ra các khoang thu giữ carbon từ bột mì. Phối hợp với các nhà nghiên cứu tại Đại học Seoul, Hàn Quốc, họ đã nghiên cứu các khoang thu giữ carbon độc đáo. Hợp chất hóa học kali hyđro-xit (KOH) được sử dụng để kích hoạt – hay tạo ra các lỗ nhỏ trong bột mỳ - bên trong một buồng đốt ở 700 độ C.

CO2 sẽ được “hấp thụ” – hay dính vào bề mặt của vật liệu bên trong các lỗ nhỏ này.

Phó giáo sư Ki Bong Lee từ Đại học Hàn Quốc cho biết “Hiệu suất hấp thụ carbon tổng thể cho thấy rằng dùng KOH để kích hoạt các ngăn chứa carbon có thể là một bước tiếp cận đầy hứa hẹn”.

Các nhà nghiên cứu đã thay đổi tỷ lệ KOH/carbon cho tới khi tìm ra 1 công thức tốt nhất.

Phát hiện này được nêu chi tiết trong báo cáo ngày 4/10 trên tạp chí khoa học Scientific Reports. Bài báo được viết bởi các nhà nghiên cứu Seok- Min Hong và Eunji Jang – là các sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Hàn Quốc, Arthur D. Dysart - nghiên cứu sinh kỹ thuật hóa học của trường Purdue, Pol và Lee.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ hấp thụ CO2 phụ thuộc vào khối lượng của vật chất của các khoang vi xốp với kích thước lỗ nhỏ hơn 8nm. Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng vật liệu đó có thể được tái sử dụng một cách nhanh chóng để thu giữ carbon.

HÌnh ảnh kính hiển vi điện tử quét (SEM) của: (a) bột mỳ; (b) khoang lưu giữ carbon vi xốp - MCC; (c) MCC - K3 (tỷ lệ KOH/C là 3); (d) Hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) của MCC -K3
HÌnh ảnh kính hiển vi điện tử quét (SEM) của: (a) bột mỳ; (b) khoang lưu giữ carbon vi xốp - MCC; (c) MCC - K3 (tỷ lệ KOH/C là 3); (d) Hình ảnh kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) của MCC -K3

Trong tương lai, nghiên cứu sẽ nhằm mục đích hấp thụ được một lượng CO2 lớn hơn.

Anh Thư (Tổng hợp)