1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Quả cầu màu tím “bí ẩn” nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương

(Dân trí) - Một quả cầu bí ẩn màu tím được tìm thấy dưới đáy biển Thái Bình Dương làm các nhà khoa học của NOAA (Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ) trên chiếc tàu nghiên cứu E/V Nautilus bối rối.

“Nhìn giọt nước màu tím sẫm ở bên trái kìa” - Với những lời nói đó, các nhà khoa học trên tàu thám hiểm E/V Nautilus đã mở ra một bí ẩn của đại dương: một quả cầu màu tím nhỏ có một nửa chui dưới một tảng đá ở ngoài khơi bờ biển California.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn bối rối về việc quả bóng nhỏ gồ ghề và có màu sặc sỡ đó có thể là thứ gì. Phán đoán tốt nhất của họ là nó có thể là một loài động vật chân bụng có mang bên - và có thể là một loài mới. Động vật chân bụng là loại động vật thân mềm giống như ốc sên hoặc loài sên trần thuộc Lớp chân bụng – Gastropode.


Quả cầu màu tím “bí ẩn” nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương khiến các nhà khoa học bối rối.

Quả cầu màu tím “bí ẩn” nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương khiến các nhà khoa học bối rối.

Bà Susan Poulton, phát ngôn viên của tàu E/V Nautilus cho biết: “Trong số các loài mang bên ở California đã được biết đến, không loài nào có màu tím”.

Sinh vật kỳ lạ

Sinh vật nhỏ bé sống đơn lẻ, đã phân thành hai thùy khi nó được mang lên tàu và có kích thước hơn 5cm. Nó đã được phát hiện ngày 18/7 trong một cuộc thăm dò của tàu Nautilus ở hẻm Arguello, phía Tây của Quần đảo Channel Islands National Marine Sanctuary.

Một đoạn phim do các camera của phương tiện điều khiển từ xa (ROV) Hercules quay được đã cho thấy đáy đại dương ngập bùn ở độ sâu 1.616m. Trong khi các nhà nghiên cứu đang tập trung quan sát các loài sò và cua, thì bỗng nhiên, quả cầu màu tím đó đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học.

Một người hỏi “Đó là cái gì vậy?”

Người khác trả lời “Tôi cũng không rõ nữa”

Các nhà nghiên cứu đã quyết định thu thập sinh vật này bằng ống hút của ROV. Sau đó họ đã gửi sinh vật này tới Bảo tàng So sánh Động vật học Harvard để phân tích. Họ cũng lấy mẫu để phân tích ARN cũng như lên kế hoạch tiến hành phân tích ADN.

Bà Poulton nói: “Sẽ mất tới hàng tháng trời để xác định đó là một loài mới”

Cuộc thám hiểm trực tiếp

Bà Poulton cho biết: Sẽ tương đối bất thường đối với đội thám hiểm trên tàu E/V Nautilus nếu họ phát hiện ra một loài hoàn toàn mới, mặc dù họ đã tìm thấy một sinh vật mà họ ngờ rằng khoa học chưa từng biết đến và chỉ cần thêm thời gian để xác nhận điều đó. Các nhà nghiên cứu trên tàu Nautilus thường xuyên tìm thấy các sinh vật ở những nơi mà trước đó chưa ai từng nghĩ là có động vật sinh sống. Có lẽ, quả cầu màu tím đó là một loài động vật chân bụng đã được biết đến và chỉ đơn giản là nó chưa từng được nhìn thấy ở vùng biển California trước kia.

Tàu thám hiểm E/V Nautilus được điều hành bởi tổ chức Ocean Exploration Trust – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi nhà hải dương học Robert Ballard. Từ tháng 5, tàu này đã thăm dò ở phía đông Thái Bình Dương, bắt dầu từ ngoài khơi đảo Vancouver của Canada và tiến về phía nam. Hiện nay, con tàu đang ở ngoài khơi bờ biển Los Angeles và điều tra rìa lục địa phía Nam California. Nhóm nghiên cứu phát sóng các hoạt động của mình trên trang web http://www.nautiluslive.org/ và ra thông báo trên Twitter khi tàu lặn.

Poulton cho biết việc phát video trực tiếp là một lợi ích cho các nhà nghiên cứu trên tàu, vì các nhà khoa học trên cả nước thường xuyên hưởng ứng và gọi tới các đồng nghiệp đang ở trên tàu, đề nghị họ quay trở lại để thu thập những mẫu vật thú vị. “Chúng tôi là loại tàu với đội ngũ các nhà khoa học lên tới hàng trăm người”.

Anh Thư (Theo Livescience)