Phương pháp mới điều trị hiệu quả bệnh mất trí nhớ
(Dân trí) - Những người mắc bệnh Alzheimer biết rằng, họ sẽ bị mất dần trí nhớ và cả cuộc sống của họ. Bằng cách nào đó, họ phải học cách sống cùng với căn bệnh này. Đồng thời, những người thân trong gia đình họ sẽ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc và chịu đựng nỗi đau khi biết rằng một ngày nào đó người thân sẽ không còn nhận ra mình.
Có khoảng 5,4 triệu người Mỹ hiện đang sống với chứng rối loạn thoái hóa thần kinh. Đây là nguyên nhân thứ 6 trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở Hoa Kỳ. Theo dự kiến, vào năm 2050 sẽ có khoảng 13,8 triệu người mắc chứng bệnh này. Do đó các nhà khoa học đang chạy đua để tìm cách phát hiện và điều trị tốt bệnh này hơn, nếu không Chương trình Chăm sóc người già mắc bệnh Alzheimer của Chính phủ Mỹ sẽ bị phá sản. Vì vậy cần phải quản lý căn bệnh này một cách hiệu quả. Mặc dù đây là chứng bệnh có xu hướng di truyền nhưng hiện không có cách nào để dự đoán một người sẽ bị mắc bệnh hay không và bệnh Alzheimer vẫn đang phát triển không ngừng mà không có thuốc chữa.
Bệnh Alzheimer là do sự tích tụ các mảng amyloid beta. Có trạng thái giống như nhựa đường, những mảng này làm não bị kết dính lại khiến các nơ-ron thần kinh bị tắc và phá vỡ các cầu nối thần kinh. Những mảng này được hỗ trợ bởi protein tau, chúng ngăn không cho chất dinh dưỡng đi tới các tế bào não và làm các tế nào bị đói. Hiện nay, khi chẩn đoán ai đó mắc chứng rối loạn này thì đó là một thông báo rất nghiệt ngã, tuy nhiên một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Người cao tuổi đã làm cho những bệnh nhân Alzheimer có thể trở nên lạc quan hơn.
Các nhà thần kinh học tại Viện Nghiên cứu và Lão hóa Buck ở Novato, California (Mỹ) đã phối hợp với các đồng nghiệp ở Đại học California tại Los Angeles (UCLA) đã ngừng thành công chứng mất trí nhớ của 10 bệnh nhân ở giai đoạn sớm. Các nhà điều tra đã áp dụng một chương trình quản lý bệnh hoàn chỉnh, bao gồm cả việc kết hợp các liệu pháp và các bước tiếp cận. Tiến sĩ Dale Bredesen - đồng tác giả của nghiên cứu này - đã gọi kết quả của nghiên cứu này là “chưa từng có”. Việc đặt ra các chiến lượng quản lý thích hợp đã được chứng minh là rất khó. Trong khi rất nhiều các biện pháp điều trị đã có hiệu quả với đối tượng thử nghiệm là động vật, rất ít thử nghiệm trên người đạt thành công. Nhưng ở đây, một liệu pháp kết hợp được gọi là chương trình MEND đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận.
MEND là chữ viết tắt của Metabolic Enhancement for NeuroDegeneration có nghĩa là Tăng cường Trao đổi chất cho Thoái hóa Thần kinh. Điều này liên quan đến “hệ thống 36 điểm” bao gồm một chế độ ăn nhất định, rất nhiều cac bài tập, thuốc men, vitamin, tối ưu hóa giấc ngủ và thậm chí cả kích thích điện não. Theo tiến sĩ Bredesen, tấn công căn bệnh bằng các biện pháp phối hợp sẽ làm tăng cường hiệu năng của thuốc. Ông đặt nó theo cách sau: “hãy tưởng tượng có một mái nhà với 36 lỗ, và khi thuốc của bạn vá một lỗ rất tốt thì viên thuốc đó đã có tác dụng nhưng chỉ có một “lỗ” duy nhất có thể đã được sửa, và bạn vẫn còn 35 chỗ rò rỉ khác, vì vậy về cơ bản là không có ảnh hưởng gì đáng kể”.
Thay vào đó, với hệ thống MEND, các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu là nhiều lỗ cùng một lúc. Mỗi bệnh nhân trong nghiên cứu này đã bị suy giảm nhận thức chủ quan (SCI), suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), và mất trí nhớ. Ngoài ra, chín người trong số các bệnh nhân này có mang một gen cụ thể của bệnh Alzheimer là ApoE4. Năm bệnh nhân mang hai bản sao của gen. Khả năng phát triển tình trạng này của họ là lớn hơn 10 – 12 lần.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi cẩn thận các trường hợp của mỗi bệnh nhân tham gia vào hệ thống MEND trong một quá trình kéo dài hai năm. Cuối cùng, tất cả 10 bệnh nhân đều cho thấy sự cải thiện đáng kể về bộ nhớ, và nhiều bệnh nhân đã được chuyển từ chức năng nhận thức “bất thường” sang “bình thường”. Một người đàn ông 69 tuổi – thay vì sắp mất khả năng điều khiển được các hoạt động của cơ thể, ông lại có thể điều khiển lại được và thậm chí còn có nhiều cài thiện. Trước đây, ông đã không thể nhớ được lịch hoạt động của mình hoặc không nhớ được những người mà ông đã giao thiệp. Lúc bắt đầu, khả năng gọi lại trí nhớ dài hạn của ông còn chưa đến 3%. Sau khi trải qua điều trị trong 22 tháng, ông đã được kiểm tra lại một lần nữa và khả năng gọi lại trí nhớ dài hạn của ông hiện tại là 84%
Một bênh nhân khác là một phụ nữ 49 tuổi gặp rắc rối với khả năng nhận diện khuôn mặt và trí nhớ về lời nói, sau một vài tháng ở MEND, cô đã có thể lấy lại được khả năng của mình, không chỉ là nhớ lại các từ, mà còn nói được ngoại ngữ. Trong những trường hợp khác, một người 66 tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ được phát hiện đã tăng 12% khối lượng vùng đồi thị khi chụp Cộng hưởng từ lúc kết thúc quá trình nghiên cứu. Vùng đồi thị là khu vực não chịu trách nhiệm học hỏi và trí nhớ, là nơi xuất xứ của Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những phát hiện trên minh họa cho hiệu quả của hệ thống MEND trong việc đảo ngược suy giảm nhận thức sớm, ngay cả đối với những người mang gen di truyền căn bệnh này. Theo tiến sĩ Bredesen, có nhiều chương trình hoạt động cá nhân hơn có thể sẽ càng làm tăng hiệu quả của thuốc trị bệnh Alzheimer. Và mặc dù rất phấn khích với kết quả nghiên cứu này, nhưng cần phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa, bao gồm cả tăng thêm số người tham gia, để xác nhận lại những kết quả này và tìm hiểu thêm về lý do tại sao nó lại có hiệu quả như vậy.
Anh Thư (Theo Bigthink)