Phun hóa chất lên trời để... làm mát Trái Đất

(Dân trí) - Trái Đất đang ngày một nóng lên, trong khi đó những nỗ lực của con người đến nay vẫn chưa đủ để dừng việc đó lại. Các nhà khoa học vẫn đang liên tục tìm hiểu những biện pháp cứu hành tinh của chúng ta, trong đó có một nghiên cứu về việc chủ động can thiệp vào bầu khí quyển để làm nguội Trái Đất.

hoa chat.jpg

Biện pháp này không chỉ khả thi về mặt kĩ thuật mà còn có chi phí khá thấp, phù hợp để từng quốc gia có thể thực hiện được. Nguyên lí của nó không hề làm đảo ngược tình tình biến đổi khí hậu, thực tế là các khí nhà kính (KNK) sẽ vẫn còn đó, Trái Đất vẫn ấm lên nhưng với tốc độ cực kì chậm.

Đó là kết luận của đề tài nghiên cứu của nhóm các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Havard và Trường đại học Yale, Mỹ. Đây là nghiên cứu sâu nhất và mới nhất về việc phun son khí lên tầng bình lưu để làm giảm tác động của Mặt Trời. Hóa chất được phun lên khí quyển sẽ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời ngược trở lại vũ trụ, tương tự như hiệu ứng Trái Đất làm nguội các vụ nổ núi nửa.

Theo kết quả nghiên cứu, bằng phương pháp này con người có thể giảm được hiệu ứng nhà kính do mình gây ra hàng năm với chi phí bằng một nửa mà các nước và các thành phố lớn đang chi cho việc xây dựng đường cao tốc, đường tàu điện ngầm và các dự án hạ tầng khác: tổng chi phí cần thiết để phát triển công nghệ này vào khoảng 3,5 tỉ USD trong 15 năm tới.

Phần lớn số tiền này dùng để sản xuất máy bay đưa những bồn son khí lên tầng bình lưu, gấp đôi cao độ một chiếc Boeing 747 có thể đạt được. Sau khi chế tạo thành công những chiếc máy bay như vậy, dự án cần thêm 2,25 tỉ USD nữa cho mỗi năm tiếp theo trong vòng 15 năm.

Nghe qua thì phương pháp này có vẻ vô lí, nhưng kể cả các nhà khoa học không tham gia vào nghiên cứu này cũng thừa nhận các phương pháp mà nghiên cứu nói trên đưa ra là hợp lí và các kết luận không có gì đáng ngạc nhiên.

Giáo sư Kate Ricke của Trường đại học California chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu (BĐKH) và các chính sách ứng phó với BĐKH nói rằng “tôi thấy công trình này hợp lí và có phương pháp, nó cho thấy việc tác động kĩ thuật vào tầng bình lưu có chi phí rẻ hơn nhiều so với giảm phát thải.”

Liệu như vậy đã đủ để khẳng định đây là một ý tưởng hay và chúng ta nên bắt đầu sản xuất máy bay phun hóa chất?

Theo các tác giả của nghiên cứu, về mặt khoa học thì khi phun sulfur dioxide (SO2) vào khí quyển, nó sẽ làm ánh sáng mặt trời hắt ngược trở về vũ trụ. SO2 rất rẻ và dễ kiếm. Phần lớn chi phí của dự án là để đưa được SO2 lên tới độ cao phù hợp mà không bị rơi xuống Trái Đất.

Nếu đưa hóa chất này lên độ cao 10.700 mét, tức là độ cao mà máy bay Boeing 737 có thể đạt được, thì nó sẽ rơi xuống trong vòng vài ngày do tác động của trọng lực. Còn nếu đưa được nó lên cao hơn, tới tầng bình lưu thì nó sẽ lơ lửng ở đó trong khoảng 1 năm đến 18 tháng. Và việc này không phải là không thể thực hiện được. Do vậy, phương pháp này hoàn toàn có thể làm mát Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh làm mát hành tinh xanh của chúng ta không đồng nghĩa với việc “đảo ngược tình thế biến đổi khí hậu”.

Phát thải carbon không chỉ tạo ra hiệu ứng nhà kính đối với Trái Đất mà còn làm cho các đại dương bị a-xít hóa, làm biến đổi chuyển động toàn cầu của không khí và nước. Thực tế là những phát thải đó đã làm nóng toàn bộ hệ thống khí hậu và không thể trông chờ giải quyết được chỉ bằng biện pháp nhân tạo là phun một lớp khí SO2 lên khí quyển.

Chúng ta có thể giảm nhiệt độ chung toàn cầu gần đến mức tự nhiên khi không có các hoạt động công nghiệp của con người, nhưng như thế không có nghĩa là khí hậu ở mọi nơi sẽ trở lại ôn hòa như nó vốn có. Một số nơi sẽ nóng hơn và một số nơi sẽ lạnh hơn và một số nơi khác sẽ khô hơn hoặc ẩm ướt hơn.

Và thậm chí ngay cả một hệ thống khí hậu được con người điều khiển hoàn hảo theo ý mình trong tương lai nhờ các biện pháp nhân tạo thì cũng sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới. Như vậy cũng chẳng có gì tốt đẹp cho loài người.

Bên cạnh ưu điểm không thể phủ nhận, biện pháp phun SO2 lên khí quyển cũng vẫn không thể cứu được mọi tình huống. Nếu toàn bộ băng ở Greenland tan chảy và hòa vào đại dương thì toàn bộ các vùng ven biển khắp thế giới sẽ bị ngập lụt.

Khi đó con người có dùng biện pháp nào để đóng băng hành tinh này đi nữa thì băng cũng không thể trèo ngược từ dưới biển lên đất liền được nữa. Băng ở Greenland là kết quả của hàng triệu năm tuyết rơi trên Trái Đất.

Như vậy, cho dù nghiên cứu này thực sự hữu ích nhưng mọi người cũng phải hiểu nó không phải là một giải pháp hoàn hảo cho toàn bộ vấn đề biến đổi khí hậu.

Ý tưởng bơm các son khí lên tầng khí quyển trên cao để giảm nhẹ biến đổi khí hậu đã được xem xét nghiêm túc và khái niệm này cũng được đưa vào báo cáo năm 2018 của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc như một cách tiếp cận khả thi.

Hiện nay, đây là biện pháp rẻ hơn những công nghệ khác, chẳng hạn như hút carbon dioxide (CO2) ra khỏi khí quyển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chắc chắn nó sẽ được áp dụng.

Hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định hết các yếu tố để đưa phương pháp này vào áp dụng thực tế. Vẫn còn nhiều việc phải làm như là thống nhất xem lượng hóa chất cần sử dụng là bao nhiêu, ở đâu, liệu có tác dụng phụ gì không, làm sao để đạt được sự nhất trí giữa các nước,...

Phạm Hường (Theo Live Science)