1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phụ nữ phẫu thuật ngực có nguy cơ mắc ung thư cao

(Dân trí) - Nhiều phụ nữ trên khắp thế giới phẫu thuật ngực vì lý do thẩm mỹ hoặc sau phẫu thuật ung thư vú. Trong một số trường hợp hiếm, các ca cấy ghép này có thể dẫn đến một loại ung thư mới, được gọi là u lympho tế bào lớn anaplastic liên quan đến cấy ghép vú, hay còn gọi là BIA-ALCL.

Mặc dù nguy cơ thấp, nhưng các bệnh nhân nên được tư vấn về nguy cơ này trước khi đưa ra quyết định. Phát biểu với tờ Daily Mail, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ, giáo sư Mark Clemens cho biết rằng, căn bệnh này rất hiếm, tỷ lệ thực tế được đánh giá rất thấp.

Phụ nữ phẫu thuật ngực có nguy cơ mắc ung thư cao - 1

Thực tế tỷ lệ này cao 10 gấp lần so với báo cáo trước đây

BIA-ALCL là một loại ung thư phát triển trong dịch bạch huyết và không nên nhầm lẫn với bệnh ung thư vú. Như một phần trong hệ miễn dịch, dịch bạch huyết lưu thông khắp cơ thể, làm cho các tế bào ung thư mới hình thành lan rộng sang các mô khác, nơi mà chúng có thể dần phát triển thành các khối u rắn. Những khối u này thường được phát hiện sau phẫu thuật ít nhất bốn năm.

Đến nay có 173 bệnh nhân trên toàn thế giới được xác định mắc BIA-ALCL. Giáo sư Clemens đã theo dõi các trường hợp từ báo cáo đầu tiên vào năm 2011 và đã nghiên cứu sâu về bệnh này. Ông tin rằng, mức độ phổ biến của căn bệnh BIA-ALCL cao hơn gấp mười lần so với những gì thường nói về phụ nữ.

Theo kết quả của nghiên cứu, nhiều phụ nữ hoàn toàn không biết về nguy cơ thực sự do phẫu thuật. Charlotte Fouracres, một bệnh nhân phẫu thuật ngực cho biết, Bệnh BIA-ALCL thường không được các bác sĩ hoặc nhân viên của họ đề cập đến.

BIA-ALCL thường không được nhận ra

Năm 2012, Charlotte, một giáo viên 30 tuổi đến từ Colchester, Essex, đã trải qua cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để có bộ ngực từ mức B sang mức D. Tháng 7/2015 Charlotte phát hiện ra một khối u trong ngực mà sau này được xác định là u lympho tế bào lớn anaplastic hay ALCL.

Ngay lập tức cô được đưa vào hóa trị, nhưng không ngăn chặn được các khối u lan rộng sang thành ngực của cô, làm cho cuộc phẫu thuật không thể diễn ra. Do sức khỏe của cô bị giảm sút nghiêm trọng, Charlotte lo sợ rằng sẽ không thể nhìn thấy bốn đứa con của mình lớn lên. Cô được khuyên là nên tham khảo ý kiến bác sĩ phẫu thuật vú Fiona MacNeill tại trung tâm ung thư The Royal Marsden NHS Foundation Trust ở London.

Tiến sĩ MacNeill đã điều trị hai bệnh nhân khác bị BIA-ALCL và phát hiện ra rằng Charlotte được chẩn đoán sai về bệnh ALCL phổ biến hơn. Cô đã giải thích rằng chẩn đoán về BIA-ALCL là rất hiếm và yêu cầu có những xét nghiệm cụ thể hơn.

Cô đã nói với Daily Mail rằng, bệnh này tương đối mới trong giới y học. Do đó nhiều bác sĩ thường không nhận ra. Mặc dù cả hai đều khá giống nhau, có thể BIA-ALCL không thích ứng tốt với việc hóa trị thường sử dụng để điều trị các dạng phổ biến hơn. Một thời gian ngắn sau Charlotte đã nhận được bảy chu kỳ thuốc điều trị sinh học trị giá 10.000 bảng Anh (tương đương 13.000 đô la), tiếp theo là loại bỏ các mô cấy. Theo các bác sĩ của cô, hiện nay Charlotte hoàn toàn không còn bệnh ung thư, tuy nhiên cô ấy cần được giám sát trong 5 năm tiếp theo.

Gần đây, Cơ quan quốc gia ANSM đã yêu cầu các nhà sản xuất chứng minh sự an toàn của các mô cấy ghép của họ và đẩy mạnh việc nghiên cứu nhiều hơn vào cách mà các bộ phận giả bằng silicone kích hoạt quá trình phát triển ung thư như thế nào.

Minh Trang (Tổng hợp)