Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Làm startup không thể đòi hỏi thuận lợi!

(Dân trí) - Trao đổi tại diễn đàn đối thoại cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Techfest 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Làm startup không thể đòi hỏi thuận lợi hay nghĩ thoáng qua là làm startup phải gắn ngay với thế giới, toàn cầu hay phải trở thành công ty triệu đô, tỷ đô”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra lời khuyên: Trước hết, các bạn hãy bắt đầu từ những nhu cầu thiết thực hàng ngày, từ những việc rất nhỏ liên quan đến giáo dục, đi lại, khám chữa bệnh của người dân, nông nghiệp… Và khi có ý tưởng khác với những người khác đang làm thì các bạn hãy bắt đầu.

“Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng đừng quên phải cụ thể, thiết thức. Quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm. Cùng với đó là phải có sự kết nối, hình thành mạng lưới, hệ sinh thái khởi nghiệp, điều mà chúng ta nói rất nhiều nhưng nhiều lúc chưa nhận thức hết ý nghĩa của điều này”, Phó Thủ tướng nói.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đình Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đình Nam.

Không có sự phân biệt dự án startup Việt hay nước ngoài

Đối thoại tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù việc phát triển cộng đồng startup, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan của Nhà nước, đặc biệt Chính phủ bắt đầu rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng này phát triển.

Dẫn chứng với con số 70% dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài hay 39/40 Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam là của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng không có sự phân biệt các dự án startup ở Việt Nam hay nước ngoài.

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng nhất là các startup cần tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng. Những nhu cầu của người dân trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông, thanh toán điện tử, nông nghiệp… đang đặt ra rất nhiều vấn đề, thách thức. Tuy nhiên những thách thức này có trở thành cơ hội cho các startup hay không hoàn toàn phụ thuộc vào người sáng lập.

Ngoài các vấn đề về vốn, hạ tầng, pháp lý, giáo dục, nguồn nhân lực đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp startup nêu ra lâu nay thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra vấn đề tạo lập một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng.

“Nguồn dữ liệu này được đóng góp từ Chính phủ, doanh nghiệp và đặc biệt là từ người dân, trước hết tập trung vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện từ, nông nghiệp… Đây là yêu cầu được nêu ra trong đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa bên cạnh việc phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp. Điểm đáng chú ý trong đề án Hệ tri thức Việt số hóa là sự đóng góp tri thức của người dân thông qua việc đặt các câu hỏi về những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống. Khi nhiều người cùng quan tâm về một vấn đề thì đó là cơ hội của các DN startup”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi suy nghĩ. Đối với người dân đó có thể là chuyển từ thói quen tiết kiệm, gửi tiền vào ngân hàng sang đầu tư, kinh doanh. Còn Nhà nước thì không chỉ là hỗ trợ vốn, hay hoàn thiện hành lang pháp lý mà quan trọng nhất là đặt ra những vấn đề để kêu gọi các ý tưởng startup.

“Chúng ta hãy nhìn vào những vấn đề thực tế, người dân, doanh nghiệp, chính phủ muốn gì? Đây sẽ là một bài toán và một khi có bài toán thì nhiều người cùng muốn tìm câu trả lời thì sẽ có ý tưởng, khi ý tưởng đó tốt thì sẽ có khởi nghiệp. Đây sẽ là cách tiếp cận mới của Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.


Ảnh: Đình Nam

Ảnh: Đình Nam

Để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo không thể thiếu cơ chế chính sách

Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Để hỗ trợ phát triển được các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ và các chính sách của mình là thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Các chính sách đúng đắn không chỉ hướng tới việc phát triển, nâng cao chất lượng và kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, mà còn phải hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, liên kết và mở rộng nhanh chóng ra thị trường khu vực và thế giới.

“Do đó, vai trò của Chính phủ không chỉ là cơ quan hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời mà Chính phủ còn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều quốc gia đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Sáng 30/11 tại Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua 4 năm tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST VIETNAM), đây là lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng.

Diễn đàn còn có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và lãnh đạo các Bộ KH&CN các nước ASEAN và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của không chỉ của Chính phủ Việt Nam mà của các nước trong khu vực ASEAN và tổ chức quốc tế đến công cuộc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Hùng – Khánh Hiền