1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phó Thủ tướng: Phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh

(Dân trí) - Tối 4/12, phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đưa ra những con số thống kê cụ thể cho thấy những năm trở lại đây phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh.

Tối 4/12, tham dự Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những cố gắng nỗ lực của khoa học và công nghệ trong suốt những năm vừa qua đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua đó đã góp phần để phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có nhiều kết quả rất đáng mừng.

Phó Thủ tướng: Phong trào khởi nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển rất mạnh - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. 

Minh chứng về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, nhiều năm trước, Việt Nam đã cố gắng tạo những điều kiện thuận lợi nhất và kêu gọi các Quỹ đầu tư. Liên tục trong nhiều năm thì năm 2018, Việt Nam đã có 40 Quỹ đầu tư. Năm 2019 có thêm 21 Quỹ đầu tư như vậy hiện nay chúng ta đã có 61 Quỹ đầu tư. Điều đáng mừng là trong 21 Quỹ được thành năm 2019 thì có 11 Quỹ đầu tư có pháp nhân Việt Nam, trong đó có 6 Quỹ đầu tư là thuần Việt.

Việt Nam cũng rất nhiều năm để bắt đầu đưa vào những mô hình và không gian làm việc chung. Năm 2018 Việt Nam có 70 không gian làm việc chung nhưng đến năm 2019 số lượng đã tăng hơn 2,5 lần – hơn 170 không gian làm việc chung

“Chỉ với hai con số trên cho thấy năm 2019, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã có một bước tiến rất dài”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: Startup có đặc điểm riêng nhưng đương nhiên không thể tách rời với sự phát triển của kinh tế xã hội chung của cả nước. Năm 2019 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn trong nước cũng như bối cảnh chung nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng gia tăng, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế xã hội chúng ra đều hoàn thành. Đặc biệt liên quan đến các chỉ số mà được quốc tế đánh giá như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo…

Năm 2019, đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới về xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia thì Việt Nam tăng 10 bậc, trong đó có chỉ số về ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc; liên tục trong những năm gần đây xếp hạng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những bước cải thiện vượt bậc, năm 2019 Việt Nam đứng thứ 42, trong đó nhóm chỉ số về tri thức công nghệ đứng thứ 27…

“Tất cả những điều này cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và tích cực”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và “chìa khóa”

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, trong những điều kiện chung của một nước đang phát triển thì Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm trong Startup toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0… Dù Việt Nam đã có những bước cải thiện rất mạnh mẽ nhưng xếp hạng về sự sẵn sàng cho nền sản xuất mới đang đứng ở vị trí 67-68 trong tổng số các nước, nếu chúng ta không có những cách làm mới thì rất khó để có thể phát triển nhanh hơn.

“Để có thể đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có mức trung bình cao thì không quá khó, nhưng để thoát ra khỏi nước phát triển trung bình, thu nhập trung bình thì chúng ta phải nỗ lực rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề: Theo tính toán trong 20 năm tới đây, nếu Việt Nam không duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 7% thì chúng ta rất khó để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Câu hỏi đặt ra: Liệu chúng ta có thể đi nhanh hơn được không? Nhanh hơn nhưng phải bền vững hơn

Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần bởi các cơ quan hoạch định chính sách và mời cả cộng đồng doanh nghiệp. Khi quy mô của một nền kinh tế đã lớn thì mức tăng trưởng cao hơn là rất khó nhưng chúng ta vẫn có thể làm được bởi lẽ nguồn lực trong dân, trong đó có nguồn lực con người còn rất lớn. Bên cạnh đó môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cố gắng, cải thiện nhưng mới chỉ đứng thứ 70 trên thế giới, điều này có nghĩa nếu cố gắng nỗ lực về cải cách hành chính, thay đổi những điều ràng buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì Việt Nam nhất định có thể khai thác thêm được nguồn lực và đi nhanh hơn nhiều

“Tôi muốn nói điều này trước các doanh nghiệp và rất nhiều bạn trẻ đang muốn dấn thân vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo có rất nhiều đặc điểm nhưng có một đặc điểm họ là những người sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận thất bại, chấp nhận rủi ro để bước mạnh hơn bằng cách có những ý tưởng rất mới tạo ra những sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo ra một phân khúc thị trường mới ở cơ bậc và dựa trên nền tảng công nghệ mới. Bằng cách làm như vậy thì một doanh nghiệp, một cộng đồng, một quốc gia có thể phát triển nhanh hơn.

Sự thành công bước đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam không chỉ góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế mà điều quan trọng hơn tinh thần ấy sẽ tác động vào bộ máy chính quyền các cấp  và toàn xã hội. Nếu chúng ta sẵn sàng đưa ra những ý tưởng mới, cổ vũ cho những ý tưởng mới, chung tay nhau để những ý tưởng mới đó thành hiện thực thì nhất định chúng ta sẽ thành công”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm: Có nhiều người hỏi tôi, nếu có một từ để nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đó sẽ là gì?  Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng lần thứ nhất người ta gọi là hơi nước; cuộc cách mạng lần thứ hai là Điện; cuộc cách mạng lần thứ ba là số hóa. Vậy lần thứ tư là gì? Tôi cho rằng có một từ rất quan trọng đó là kết nối.  

 “Tôi mong rằng, tất cả những người Việt Nam dù đang ở trong nước hay ở nước ngoài, dù đang làm gì thì hay kết nối cùng nhau, ít nhất là truyền cảm hứng cho nhau. Hãy chung tay để công cuộc đổi mới mạnh mẽ hơn, đất nước Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng bày tỏ sự mong muốn. 

Sỹ Hùng