Phó Thủ tướng: "Đóng góp của ngành KH&CN cần nhìn cả quá trình"

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Nhìn lại năm qua, ngành KH&CN đã có những đóng góp rất quan trọng, đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng: Đóng góp của ngành KHCN cần nhìn cả quá trình - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc đánh giá những đóng góp của ngành KH&CN cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật.

Ngày 31/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chúc mừng, biểu dương nỗ lực của Bộ KH&CN, các nhà khoa học; cảm ơn các Bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền từng bước dành sự quan tâm cho KH&CN nhiều hơn, thiết thực hơn. 

Phó Thủ tướng cũng cho rằng việc đánh giá những đóng góp của ngành KH&CN cần nhìn cả quá trình chứ không chỉ sau một vài năm hay một số sự kiện nổi bật. "Nhìn lại 10 năm qua, ngành KH&CN đã có những đóng góp rất quan trọng", Phó Thủ tướng khẳng định.  

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị, ngành KH&CN cần có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. 

"Bộ KH&CN cũng phải là nơi tập hợp, chủ động đề xuất rất cụ thể, làm việc với Bộ Tài chính về cơ chế tài chính cho doanh nghiệp; từ đó triển khai nhanh hơn nữa mô hình nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, quyết liệt quy hoạch lại toàn bộ các cơ sở nghiên cứu khoa học…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Đóng góp của ngành KHCN cần nhìn cả quá trình - 2

Toàn cảnh hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ KH&CN.

Theo một thống kê vào tháng 11/2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). Thực tế chứng minh trong năm vừa qua, lĩnh vực Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã đóng góp hiệu quả trong nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chỉ số giá trị sản phẩm công nghệ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% GDP. 

Là đầu mối triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ KH&CN đã tập trung phát triển các ứng dụng để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; kết nối, hỗ trợ và chia sẻ dữ liệu về Covid-19 cho tất cả các tỉnh, thành phố; triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (Callbot) gọi điện hỗ trợ khai báo y tế cho người dân trong vùng dịch, vùng có nguy cơ cao; triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...

Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST. Việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động KH&CN tiếp tục được quan tâm thực hiện, tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tiềm lực KH&CN quốc gia tiếp tục được tăng cường.

Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin,...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.

Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Đẩy mạnh việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nêu lộ trình phát triển của ngành trong năm 2022, cho rằng Bộ đang khẩn trương thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN, xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển KH&CN; quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới... 

Trong năm 2022, các cơ chế, chính sách, giải pháp của Bộ KH&CN sẽ tập trung để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học…

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết, đã diễn ra Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025 giữa Bộ KH&CN với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.