Phi hành gia vũ trụ giải quyết thế nào với sự cố "Tào Tháo đuổi"?
(Dân trí) - Một câu hỏi tưởng như kỳ quặc, nhưng lại hết sức thực tế, đó là các phi hành gia sẽ phải đối mặt thế nào nếu họ bị tiêu chảy trong không gian?
Ngay cả những phi hành gia khỏe mạnh nhất cũng có thể gặp phải các tình trạng đi cầu không tự chủ, giống như hầu hết những người bị hội chứng ruột kích thích đang ở trên mặt đất.
Đây là khẳng định của Josef Schmid, một bác sĩ tại NASA. Ông cho biết họ đã tính toán toàn bộ các trường hợp có thể liên quan đến đi cầu, bao gồm cả chuyện phi hành gia bị tiêu chảy khi đang làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên trong điều kiện thực tế, đa số các phi hành gia đều thú nhận rằng trải nghiệm đó mang lại cho họ cảm giác không hề thoải mái chút nào. Đặc biệt là việc bị tiêu chảy khi đang làm nhiệm vụ đối với họ cũng chẳng khác gì một "tai nạn" không mong muốn ngoài không gian.
Ngay cả khi các phi hành gia đến địa điểm "sang trọng bậc nhất" là Trạm vũ trụ Quốc tế ISS, thì điều kiện để "giải quyết chuyện ấy" cũng không hoàn toàn lý tưởng.
Phi hành gia đi vệ sinh thế nào?
Nhà vệ sinh ban đầu được thiết kế vào năm 2000 dành cho nam giới và rất khó cho phụ nữ sử dụng vì họ phải đi tiểu khi đứng lên. Để đi đại tiện, các phi hành gia phải sử dụng dây đai đùi để ngồi trên bồn cầu nhỏ và để giữ một miếng đệm kín giữa đáy của họ với bệ ngồi trong nhà vệ sinh. Nó thực sự hoạt động không tốt và khó giữ sạch.
Vào năm 2018, NASA đã chi đến 23 triệu USD để nghiên cứu tạo ra một nhà vệ sinh mới với nhiều cải tiến dành cho các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Quốc tế. Để giải quyết các vấn đề về sự cố phòng tắm không trọng lực, nhà vệ sinh mới là một nhà vệ sinh chân không được thiết kế đặc biệt có hai phần, một vòi có phễu ở cuối để đi tiểu và một bệ vệ sinh nhỏ nhô cao để đi đại tiện.
Nhà vệ sinh đặc biệt có đầy đủ các bệ đỡ và chỗ đứng để các phi hành gia sử dụng. Để đi tiểu, họ có thể ngồi hoặc đứng, sau đó giữ chặt phễu và vòi vào da để chất thải không có gì rò rỉ ra ngoài. Để đi đại tiện, các phi hành gia nhấc nắp bồn cầu và ngồi vào chỗ ngồi giống như bồn cầu ở trên Trái Đất. Nhưng nhà vệ sinh này bắt đầu thực hiện việc hút ngay sau khi nắp được nhấc lên để ngăn không cho chất thải trôi ra ngoài và để kiểm soát mùi hôi thối.
Để đảm bảo có sự vừa khít giữa bệ ngồi cầu tiêu và chỗ nghiêng của các phi hành gia, bệ ngồi trong nhà vệ sinh đặc biệt này nhỏ hơn bệ ngồi ở Trái Đất.
Do việc tái chế nước tiểu tốt hơn là lấy nước sạch từ Trái Đất, nên tất cả nước tiểu của phi hành gia được thu thập và biến trở lại thành nước sạch, có thể uống được.
Còn đối với phân, chúng được hút chân không vào các túi rác được đưa vào thùng kín. Chúng được chuyển vào các container đặc biệt để đưa quay trở lại Trái Đất và bốc cháy trong bầu khí quyển.
Chỉ có 2 phòng vệ sinh
Theo Josef Schmid, trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS chỉ có 2 phòng vệ sinh, và một trong số đó thường xuyên bị trục trặc, có lúc cả hai cùng hỏng. Lý do là vì hệ thống cầu tiêu trong môi trường không trọng lực luôn gặp phải các vấn đề ngoài mong muốn, và rất khó để bảo trì.
Số lượng cầu tiêu đã hạn hẹp, lại thường xuyên có khoảng từ 6-7 thành viên trên ISS, có lúc còn lên tới 13 người, khiến cho công việc tưởng chừng đơn giản, đã trở nên vô cùng phức tạp.
Để giải quyết vấn đề này, các phi hành gia thường phải phân chia đi vệ sinh theo ca để tránh việc trùng lịch nhau. Do không một ai có thể giữ một lịch trình đi vệ sinh hoàn hảo, nên mỗi lần đến lượt, họ thường cố gắng để "giải quyết" nhiều nhất có thể.
Mặc dù vậy, trong trường hợp khẩn cấp, khi có một phi hành gia bị tiêu chảy, họ sẽ phải đàm phán với người đang ở bên trong để "thay ca".
Nếu phi hành gia đang làm nhiệm vụ bên ngoài thì sao?
Trong quá trình phóng tàu lên quỹ đạo, phi hành gia sẽ phải ngồi vào một vị trí với chân để ngang tim. Tư thế này khiến chất lỏng tích tụ và khiến họ dễ buồn đi tiểu. Do đó để tránh cơn buồn xảy ra ngay giữa khoảng thời gian quan trọng, các phi hành gia thường hạn chế uống nước trước ngày phóng của mình.
Năm 1961, Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian. Chuyến đi của phi hành gia này được cho là ngắn, nên đã không có kế hoạch cho việc đi tiểu. Nhưng điều ngoài mong đợi là vụ phóng đã bị trì hoãn hơn 3 giờ đồng hồ sau khi Shepard lên tên lửa chuẩn bị.
Cuối cùng, thay vì lãng phí thời gian để… đi tiểu, Shepard đã được phép có thể đi tiểu một cách an toàn bên trong chính bộ đồ vũ trụ của mình. Kết quả là người Mỹ đầu tiên bay vào không gian đã có một bộ đồ lót ẩm ướt.
Tương tự, nếu lỡ gặp vấn đề tiêu chảy khi đang thực hiện nhiệm vụ, hay đang trên tàu không gian, phi hành gia sẽ chẳng còn cách nào ngoài việc "giải quyết tại chỗ". Trên một số phương tiện phóng như tàu Soyuz của Nga, phi hành gia sẽ phải mặc một bộ bỉm siêu thấm, thứ mà họ có thể "giải quyết" ngay vào đó.
Ngày nay, để giảm thiểu các sự cố liên quan đến phân trong vũ trụ, các phi hành gia sẽ được lựa chọn uống thuốc xổ trước khi cất cánh. Điều này sẽ giúp họ tránh cảm giác buồn đi cầu khẩn cấp trên đường bay.