Phát lộ những kho báu bí mật dưới các lòng sông khô cạn do hạn hán
(Dân trí) - Hạn hán kéo dài nhiều tháng ở Mỹ và châu Âu làm phát lộ nhiều báu vật kỳ lạ, đồng thời cũng là một phần của lịch sử.
Đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng qua được các nhà khoa học cho là hậu quả của biến đổi khí hậu, đã làm gián đoạn những tuyến giao thông đường thủy trên những con sông huyết mạch ở châu Âu, trong đó có Đức, Ý và Pháp. Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại nhiều bang đang đối mặt với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 12 thế kỷ trở lại đây.
Tuy vậy hạn hán cũng làm phát lộ nhiều báu vật kỳ lạ ở nhiều nơi trên thế giới.
Những xác tàu Phát xít bị đắm trên sông Danube
Con sông Danube rộng lớn đã cạn đến mức thấp nhất trong gần một thế kỷ qua để lộ ra xác của hàng chục chiếc tàu chiến Đức chất đầy chất nổ đã bị đánh chìm trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tuy vậy, đợt hạn hán năm nay đã khiến cho hơn 20 tàu chiến khác nhô lên trên một khúc sông Danube gần Prahovo ở miền Đông Serbia, và nhiều trong số đó vẫn chứa hàng tấn đạn dược và chất nổ, trở thành mối đe dọa cho việc vận chuyển.
Dấu vết của khủng long ở Texas
Hạn hán ở Texas, Mỹ, đã làm khô cạn một con sông chảy qua Công viên Thung lũng khủng long, để lộ ra những dấu chân của loài khủng long khổng lồ sống cách đây 113 triệu năm.
Hầu hết các dấu chân là của khủng long gai sống cao. Chúng nặng gần 7 tấn và cao 4,5 mét khi trưởng thành. Ngoài ra, còn có dấu chân của khủng long thần động đất, là loài vật nặng 44 tấn và cao hơn 18 mét khi trưởng thành.
Công viên này nằm sâu trong đất liền về phía Tây Nam thành phố Dallas, nhưng xưa kia là vùng đất nằm bên bờ biển.
Bức tượng Phật ở Dương Tử
Tháng vừa qua, Trung Quốc phát đi cảnh báo hạn hán toàn quốc đầu tiên trong năm. Ở vùng hồ Bà Dương, một trong những đồng bằng ngập nước quan trọng nhất của sông Dương Tử, chỉ còn lại 1/4 diện tích của nó vào thời điểm này trong năm.
Mực nước xuống thấp đã làm lộ ra một bức tượng Phật trên đỉnh rạn san hô ở đảo Phật Gia Lương ở Dương Tử.
Hòn đảo này nằm ở vùng Tây Nam của Trùng Khánh. Lượng mưa ở đây đã giảm 60% so với cùng kỳ các năm trước.
Bãi đá Đói trên sông Rhine
Là một trong những con sông lớn và quan trọng ở châu Âu, sông Rhine thường xuyên có tàu bè qua lại vận chuyển nguyên liệu thô và sản phẩm cho các nhà máy sản xuất và nhà máy điện.
Tuy nhiên, mực nước thấp kỷ lục trên toàn nước Đức đã khiến cho Bãi đá Đói trên sông phải lộ ra.
Những tảng đá này được khắc để ghi nhớ nạn đói cũng như những hoạn nạn khác trong quá trình người dân Đức định cư ở vùng này vào khoảng thế kỷ XV đến XIX. Chúng được chôn dưới sông Rhine để đánh dấu mực nước cạn đáng báo động cho các thế hệ tương lai.
Thành phố Thời kỳ đồ đồng ở đập Mosul
Hạn hán nghiêm trọng làm cạn kiệt nước ở đập Mosul của Iraq, để lộ ra những tàn tích của một thành phố 3.400 năm tuổi đã mất.
Thành phố Thời kỳ đồ đồng, có cung điện và pháo đài rộng lớn, nằm ở một địa điểm có tên Kemune ở vùng Kurdistan.
Các nhà khảo cổ học người Đức và người Kurd đang khẩn trương khai quật địa điểm này trước khi con đập làm nước đầy trở lại.
Một quả bom từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II trên sông ở Italia
Các chuyên gia quân sự đã tháo gỡ và cho nổ có kiểm soát một quả bom từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Quả bom nặng 450 kg, trước đó đã bị chìm dưới lòng sông Po ở miền Bắc Italia.
Quân đội nước này cho biết khoảng 3.000 sống gần đó đã phải sơ tán trước khi tiến hành xử lý quả bom.
Quả bom này chứa 240 kg thuốc nổ. Các kỹ sư phá bom đã tháo ngòi của quả bom do Mỹ sản xuất, sau đó vận chuyển nó đến một địa điểm cách xa 45 km để tiến hành cho nổ.
Bãi đá Stonhenge Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đang trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử. Nghiên cứu cho thấy bán đảo Iberia trở nên khô hạn nhất trong hơn 1.000 năm qua.
Tình trạng khô hạn làm lộ ra một bãi đá cổ được gọi là Bãi đá Stonhenge Tây Ban Nha, một di tích chỉ lộ thiên có 4 lần kể từ năm 1963 đến nay.
Tên chính thức của di tích này là Dolmen of Guadalperal. Đây là một bãi đá nằm ở trung tâm tỉnh Caceres và được cho là có niên đại 5.000 năm trước Công nguyên.
Dấu vết con người ở hồ Mead
Ít nhất đã có 5 phát hiện về dấu vết của con người ở vùng hồ Mead của Arizona, Mỹ. Nơi đây là một lòng hồ của đập Hoover và trong vài tháng qua, mực nước hồ chỉ còn 1/4 so với sức chứa.
Vào tháng 5 vừa qua, những người đi thuyền đã tìm thấy một thi thể trong một chiếc thùng dưới đáy hồ trơ cạn.
Cảnh sát cho rằng người này đã bị bắn vào khoảng những năm 1970 đến 1980, dựa vào quần áo và các bằng chứng khác, và đang tiến hành điều tra do nghi ngờ đây là một vụ giết người.
Sau đó người ta còn tìm thấy nhiều bộ xương khác ở khu vực này, một số xương vẫn chưa được nhận diện.
Hồ Mead cung cấp nước cho hàng triệu người ở Arizona, California, Nevada và Mexico, Mỹ, trong đó có những nông trại rộng lớn. Các nhà chức trách ở Mỹ cho biết một số khu vực sẽ bị cắt nước do mực nước của hồ tiếp tục giảm.