1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện vi sinh vật sống được nhờ… “thạch tín” ở Thái Bình Dương

(Dân trí) - Trong số rất nhiều sự sống trên Trái Đất, có một số vi sinh vật có khả năng sinh tồn vô cùng kì lạ.

Gần đây, các nhà khoa học đã theo dõi một loại vi khuẩn đại dương có khả năng sống sót nhờ thạch tín. Các vi sinh vật được phát hiện ở khu vực biển Thái Bình Dương ngoài khơi Mexico.

Phát hiện vi sinh vật sống được nhờ… “thạch tín” ở Thái Bình Dương - 1
Những vi sinh vật có khả năng sống sót nhờ thạch tín mở ra một cách nhìn khác về sự sinh tồn dưới đại dương.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một chiến lược sinh tồn cổ xưa được sử dụng trong quá khứ xa xôi khi oxy ít có trên hành tinh của chúng ta, nhưng ngạc nhiên hơn đó là khi nó vẫn còn được tồn tại.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Washington ở Seattle cho biết, đây có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc sống trên đại dương sẽ tiếp tục thay đổi như thế nào khi đối mặt với biến đổi khí hậu dẫn đến chỉ số oxy dưới nước bắt đầu trở nên khan hiếm trở lại, hệ sinh thái có thể phải thay đổi để thích nghi.

"Từ lâu chúng ta đã biết rằng có hàm lượng thạch tín rất thấp trong đại dương. Nhưng ý tưởng cho rằng các sinh vật có thể sử dụng thạch tín để sống thì đó là một sự trao đổi chất hoàn toàn mới cho đại dương mở”, nhà hải dương học Gabrielle Rocap nói.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra những dạng sống nhỏ bé sống sót nhờ nitơ và lưu huỳnh khi không có oxy, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện ra vi khuẩn có thể sống sót nhờ thạch tín.

"Thạch tín không chỉ nguy hiểm mà còn có lợi, đã định hình lại cách tôi nhìn nhận nguyên tố này", một trong những nhà nghiên cứu, Jaclyn Saunders nói.

Các vi sinh vật hút thạch tín này có thể chiếm khoảng 1% cộng đồng vi sinh vật biển, tìm hiểu thêm về chúng có thể giúp chúng ta hiểu về các phản ứng hóa học phức tạp đang diễn ra trong đại dương.

Bước tiếp theo là thử và phát triển các vi khuẩn này trong phòng thí nghiệm, nơi các quá trình trao đổi chất của chúng có thể được nghiên cứu kỹ hơn.

Minh Long (Theo Science Alert)