1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện tiền thân của các lỗ đen siêu trọng

Hữu Thắng

(Dân trí) - Các nhà thiên văn học từ đại học Copenhagen đã phát hiện một lỗ đen siêu trọng mới - mang tên GNz7q - được sinh ra 750 triệu năm sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang).

Phát hiện tiền thân của các lỗ đen siêu trọng - 1
GNz7q - được thể hiện trên Hubble dưới dạng chấm đỏ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Qua các dữ liệu của kính viễn vọng Hubble, các nhà thiên văn học đã phát hiện một lỗ đen siêu trọng mới - mang tên GNz7q.

Đã từ lâu, các học thuyết đã cho rằng lỗ đen siêu trọng được sinh ra tại trung tâm của các thiên hà siêu sinh sao - hay còn gọi là thiên hà "starbust" - một khi đã tồn tại đủ lâu, các hố đen này sẽ thải bớt lớp bụi vật chất và khí ga ra, để lộ phần trung tâm của chúng là một chuẩn tinh - thuật ngữ cho các thiên thể cực xa và cực sáng.

Nếu hình ảnh của GNz7q được chứng minh là thật thì đây sẽ là một phát hiện đánh dấu cho việc tìm ra cầu nối giữa các thiên hà siêu sinh sao và các chuẩn tinh.

Phát hiện tiền thân của các lỗ đen siêu trọng - 2

Hình ảnh minh họa một hố đen siêu trọng được bao quanh bởi các bụi vật chất tại trung tâm thiên hà "starbust".

Ông Seiji Fujimoto - tác giả chính của nghiên cứu - khẳng định: "Phát hiện của chúng tôi là tiền thân cho các lỗ đen siêu trọng mà chúng tôi quan sát được ở các kỷ nguyên sau này của vũ trụ".

Tuy nhiên, ông Gabriel Brammer - đồng tác giả của nghiên cứu - lại nhận định việc phát hiện được GNz7q chỉ là ''ăn may'' do dữ liệu từ kính viễn vọng Hubble đã khá cũ. Các nhà khoa học hiện đang hướng sự chú ý về khu vực này và họ đang rất nóng lòng được sử dụng kính viễn vọng James Webb để quan sát thêm.