Phát hiện thú vị một loại nấm gây bệnh biến loài ruồi thành "thây ma"
(Dân trí) - Đây là loài nấm Entomophthora muscae, chúng tạo ra một ly "cocktail" hóa học để thu hút loài ruồi sau đó lây nhiễm mầm bệnh và giết chúng.
Trong thế giới tự nhiên, một số loài hoa được thụ phấn bằng côn trùng, sử dụng hiện tượng "bắt chước tình dục" bằng cách phát ra các tín hiệu giao phối gây hiểu lầm để thu hút chúng. Tuy nhiên, rất hiếm loài thu hút côn trùng để lây lan mầm bệnh.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen và Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển cho biết đã xác định được một sinh vật đó là loài nấm Entomophthora muscae, một mầm bệnh đặc trưng cho loài ruồi nhà.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí "The ISME journal", các nhà khoa học chỉ ra rằng loài nấm này có khả năng biến ruồi thành thây ma, bằng cách thu hút các ký chủ cái bám vào điểm cao nhất có thể trong môi trường của chúng và chết ở đó.
Sau đó, loài nấm này sẽ sửa đổi các tín hiệu hóa học của xác chết để thu hút ruồi đực nhằm khuyến khích chúng giao phối với những con cái đã chết này. Các con đực lần lượt bị nhiễm bệnh, tạo điều kiện cho nấm có thêm một con đường lây lan.
Chúng khiến các nạn nhân (ruồi cái) của mình thải ra chất để thu hút tình dục những con đực. Đầu tiên, các bào tử của loài nấm phát tán trong không khí đáp xuống một con ruồi cái, sau đó chúng xâm nhập vào da và não của nó.
Các sản phẩm do bào tử tiết ra sẽ thúc đẩy con cái leo lên điểm cao nhất có thể trong môi trường sống của loài nấm này, chẳng hạn như một chiếc lá trên cây sau đó chúng sẽ mở đôi cánh của mình và chết.
Trong thời gian này, cơ thể của nó được bao phủ trong các ổ chứa bào tử nhỏ. Tất cả những gì cần làm là một con đực chạm vào cơ thể của con cái để các ổ chứa "phát nổ" và lấp đầy không khí với các bào tử và trở nạn nhân tiếp theo.
Là một phần của thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã thu thập những con ruồi cái đã chết bị nhiễm bệnh và bình thường, sau đó đặt chúng gần với sự hiện diện của con đực.
Kết quả phát hiện ra rằng, ruồi đực hầu như luôn chọn giao phối với một con cái bị nhiễm bệnh, ngay cả khi nó đã chết, đặc biệt. Điều này cho thấy rằng nấm hẳn đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của con đực, bằng cách này hay cách khác.
Một loại cocktail hóa học thu hút ruồi đực
Sau đó, những con đực được các chuyên gia theo dõi trong vòng 10 ngày sau khi giao phối. Có vẻ như giai đoạn bào tử thực sự rất quan trọng, chỉ có 15% con đực giao phối với xác chết giai đoạn đầu bị bệnh.
Nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu phản ứng của râu ruồi đực đối với các tín hiệu hóa học khác nhau. Một số hợp chất này được thải ra bởi ruồi sống, trong khi những hợp chất khác được thải ra bởi những xác chết không bị nhiễm bệnh hoặc những xác chết bị nhiễm bệnh sinh ra bào tử.
Hiện tượng này có lợi cho nấm, vì sự gần gũi giữa các cá thể vật chủ làm tăng khả năng lây nhiễm. Các chuyên gia còn phát hiện ra các hợp chất bay hơi bất thường, đặc biệt là sesquiterpenes - hợp chất thu hút tình dục nhiều loại côn trùng, bao gồm cả ruồi nhà.
Điều này sẽ tạo thành bằng chứng rằng nấm Entomophthora muscae phát triển một công thức hóa chất phức tạp nhằm thúc đẩy sự lan tỏa sinh sản của nó. Các nhà nghiên cứu giải thích: "Ví dụ về sự bắt chước hóa học khai thác sự thúc giục giao phối của động vật là một trong những mô tả đầu tiên về sự thao túng hành vi rộng rãi như vậy của mầm bệnh."
Những kết quả này có thể dẫn đến việc phát hiện ra các chất dẫn dụ mới dành riêng cho ruồi nhà và có thể được sử dụng để kiểm soát dịch hại.
Trong thế giới tự nhiên, nhiều sinh vật khai thác sự bắt chước hữu tính để đảm bảo sự phát tán của chúng.
Ví dụ, một số loài thực vật có hoa, chẳng hạn như phong lan Disa forficaria, bắt chước sự xuất hiện của côn trùng cái để con đực cọ vào chúng và sau đó tự nạp phấn hoa vào mình hay như một loại nấm gây bệnh của ve ( Neozygites floridana) được biết là lừa con đực ( Tetranychus urticae ) giao phối với con cái bị nhiễm bệnh.