Phát hiện thiên thạch hình điếu xì gà du hành từ một hệ Mặt Trời khác
Một vật thể có hình dạng giống điếu xì gà khổng lồ được phát hiện trong không gian tháng trước là thiên thạch đến từ một hệ Mặt Trời khác. Nghiên cứu này được các nhà thiên văn công bố trên tạp chí Nature của Anh ngày 20/11.
Thiên thạch trên được phát hiện qua một kính thiên văn ở Hawaii và được các nhà khoa học đặt tên là Oumuamua, theo tiếng Hawaii có nghĩa là "người đưa tin".
Thiên thạch có chiều dài khoảng 400m, lớn gấp 10 lần so với bề rộng của nó. Các nhà nghiên cứu cho biết chưa từng thấy vật thể nào có hình dạng như thế trong khoảng 750.000 tiểu hành tinh và sao chổi trong hệ Mặt Trời của chúng ta, và dựa trên các dữ liệu quỹ đạo của thiên thạch này, các nhà nghiên cứu đã kết luận Oumuamua đến từ một hệ Mặt Trời khác.
Theo các nhà nghiên cứu, những thiên thạch như Oumuamua du hành vào hệ Mặt Trời của chúng ta mỗi năm một lần, nhưng trước đây rất khó theo dõi và đến nay mới phát hiện được nhờ kính thiên văn hiện đại hơn.
Dữ liệu về Oumuamua cho thấy thiên thạch này đã lang thang qua Dải thiên hà và không có sự liên kết với bất kỳ hệ sao nào trong hàng trăm triệu năm trước khi nó đi vào hệ Mặt Trời của chúng ta
Ông Thomas Zurbuchen, thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết trong nhiều thập kỷ qua các nhà nghiên cứu đã đưa ra lý thuyết rằng tồn tại các vật thể giữa các vì sao, và đây là lần đầu tiên có bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của các vật thể đó. Ông nhấn mạnh khám phá lịch sử này mở ra một cánh cửa mới để nghiên cứu sự hình thành các hệ Mặt Trời ngoài Thái Dương hệ của chúng ta.
Theo TTXVN/Báo Tin tức