Phát hiện tàn tích của tàu sân bay USS Wasp trong Thế Chiến II

(Dân trí) - Tàu sân bay này đã bị một tàu ngầm của Nhật phá hủy vào năm 1942 trong một cuộc tấn công trên Đảo Solomon.

Phát hiện tàn tích của tàu sân bay USS Wasp trong Thế Chiến II - 1

Theo Popular Mechanics đưa tin, một nhóm các nhà thám hiểm biển sâu từ Tàu Nghiên cứu Petrel đã phát hiện ra tàn tích của USS Wasp, một tàu sân bay thời Thế Chiến II bị tàu ngầm của Nhật đánh chìm.

Tờ báo cho biết, tàu sân bay này “mất tích gần 80 năm, được tìm thấy ở độ sâu 4.200m”.

Các nhà thám hiểm Petrel đã tìm thấy xác tàu Wasp ở độ sâu 4.200m dưới nước ở Biển Coral, giữa Australia và New Guinea. Phát hiện về tàu sân bay Wasp là mới nhất trong loạt phát hiện tương tự: trong những năm gần đây, đội Petrel đã tìm thấy nhiều xác tàu đắm Thế Chiến II, gồm tàu USS Juneau, tàu USS Ward, tàu USS Lexington, tàu USS Helena và tàu USS Indianapolis. Đầu tháng hai năm nay, đội này tuyên bố phát hiện một tàu sân bay khác, USS Hornet.

Phát hiện tàn tích của tàu sân bay USS Wasp trong Thế Chiến II

 

Theo tờ Popular Mechanics, tàu Wasp đã bị ba quả ngư lôi của Nhật Bản tấn công vào ngày 15/9/1942, khi nó yểm hộ cho cuộc tấn công vào Đảo Solomon – một tác chiến nhằm bảo vệ Australia và New Zealand và tạo ra cơ sở cho các cuộc tác chiến khác chống lại Nhật Bản.

Tàu Wasp đã chịu thiệt hại nặng nề, buộc thuyền trưởng ban hành lệnh bỏ tàu trong chưa đầy một giờ sau cuộc tấn công. Con tàu mất tám tiếng để chìm hoàn toàn. Cuộc tấn công ngư lôi đã giết chết 176 thủy thủ và làm bị thương 366 người trong tổng số 2.162 người trong đoàn.

Đội Petrel được tập hợp bởi Paul Allen, nguyênđồng sáng lập Microsoft. Một tiền đề do Allen đặt ra là những xác tàu đắm lịch sử phải được coi như những nấm mồ chiến tranh và vị trí của chúng phải được giữ bí mật, chỉ có chính phủ và các bảo tàng được biết. Hiện nay, Petrel được trang bị một phương tiện ngầm tự quản Remus 6000, có thể khám phá các độ sâu lên tới sáu kilomet. Petrel cũng hoạt động như một bệ thử của nhiều thiết bị biển sâu chưa từng được lắp đặt trên bất kì con tàu nào khác.

Lộc Xuân (Theo Sputnik)