Phát hiện rùa khổng lồ tưởng như đã tuyệt chủng 112 năm
(Dân trí) - Từng biến mất sau một vụ phun trào núi lửa, loài rùa khổng lồ ở Ecuador được cho là đã tuyệt chủng hơn 100 năm bất ngờ xuất hiện.
Năm 2019, các nhà nghiên cứu của Viện bảo tồn Galápagos bất ngờ tìm thấy một con rùa cái khổng lồ trên quần đảo Galápagos (Ecuador) trong một chuyến thám hiểm.
Tại thời điểm đó, họ tin rằng đây chính là giống rùa khổng lồ có tên khoa học "Chelonoidis phantasticus", vốn được cho là đã biến mất hoàn toàn sau vụ phun trào núi lửa Fernandina 112 năm trước.
Sau khi so sánh gene của con rùa này với gene của mẫu vật con đực lưu trữ vào năm 1906, các nhà khoa học tại Đại học Yale mới đây đã xác nhận cả hai thuộc cùng một loài.
Điều này đã hé lộ một trong những bí ẩn lớn nhất ở quần đảo Galápagos về giống loài được cho là đã tuyệt chủng.
Trước đó, "cụ rùa" với tuổi thọ được xác định trên 100 tuổi có tên 'Lonesome George' qua đời vào tháng 6/2012, được cho là kéo theo sự kết thúc của giống loài rùa khổng lồ, bất chấp những nỗ lực lai tạo của các nhà khoa học.
Để tránh trường hợp tương tự xảy ra với Fernanda, Ban Giám đốc Công viên Quốc gia Galápagos cho biết sẽ thúc đẩy các chuyến thám hiểm lớn để quay trở lại Đảo Fernandina và tìm kiếm thêm những cá thể rùa khổng lồ còn sót lại.
Nếu tìm thấy một con rùa đực khổng lồ cùng loài, nhóm sẽ cố gắng hợp nhất nó với Fernanda tại Trung tâm Nhân giống Rùa Khổng lồ của Vườn Quốc gia Galápagos ở Santa Cruz và tạo thuận lợi để chúng sinh sản.
Nếu thành công, các nhà bảo tồn sẽ nuôi nhốt con non và sau đó đưa chúng trở lại môi trường tự nhiên.
Theo một tuyên bố, số lượng rùa khổng lồ trên quần đảo Galápagos đã giảm đáng kể vào thế kỷ 19 do hoạt động khai thác của những người săn bắt cá voi và người làm nghề khai thác mía.
Giờ đây, quần thể rùa khổng lồ ở Galápagos được cho là chỉ còn từ 200.000 đến 300.000 cá thể, khoảng 10% đến 15% so với trước đây.