1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện một giống dơi ma cà rồng bắt đầu hút máu người ở Brazil

(Dân trí) - Nhiều loại động vật có vú – chẳng hạn như con người – có thể dễ dàng sinh tồn nhờ vào chế độ ăn uống đa dạng, có thể lấy dinh dưỡng từ bất kỳ loại thực vật hay động vật nào sẵn có và ngon miệng nhất vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, một số sinh vật lại có chế độ ăn khắt khe hơn nhiều. Trong số đó, có rất ít loài đặc biệt – giống như 3 loài dơi ma cà rồng – đã tiến hóa để hoàn toàn tồn tại nhờ vào máu.

Hai trong số 3 loài này đã được biết đến là đã nhảy từ nguồn máu này sang nguồn máu khác, tuy nhiên, loài thứ ba còn lại – dơi ma cà rồng có lông chân, hay còn gọi là Diphylla ecaudata – cho tới nay vẫn luôn được coi là chuyên gia về chim vì chỉ hút máu chim.

Thế nhưng, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Acta Chiropterologica và New Scientist đã thấy rằng những con dơi này bắt đầu hút máu người – điều mà các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ xảy ra.

Khi con người bắt đầu di chuyển vào các khu rừng khô Caatinga ở đông bắc Brazil, họ đốn cây và săn các loài chim vốn là nguồn thức ăn của loài dơi này.

Vì vậy, một nhóm các nhà khoa học của đại học Federal de Pernambuco ở Recife, Brazil quyết định kiểm tra phân dơi để xem chúng đã ăn gì khi nguồn thức ăn bình thường biến mất, họ cho rằng có lẽ chúng đã chuyển sang các động vật mà con người mang đến.

Phát hiện một giống dơi ma cà rồng bắt đầu hút máu người ở Brazil - 1

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 70 mẫu phân dơi. Qua kiểm tra ADN cho thấy chúng đã hút máu gà – điều này không hề gây ngạc nhiên lớn. Tuy nhiên, phân tích này cũng cho thấy rằng chúng đã săn con người.Enrico Bernard – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết, nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên vì “loài dơi không thích hợp với máu của động vật có vú”. Chúng chỉ thích nghi với việc xử lý chất béo – thành phần chính trong máu chim – trái ngược với loại máu có protein cao của động vật có vú.

Điều này không chỉ đáng sợ vì là một sự thay đổi trong chế độ ăn. Mà loài dơi còn có khả năng rất lớn mang theo các loại vi rút gây chết người. Ở phía đông bắc Brazil, các trường hợp tương tự đã dẫn tới bùng phát bệnh dại. Năm 2005, tình trạng phá rừng và di cư của con người đã khiến một loại dơi ma cà rồng khác cắn hơn 1000 người, làm lây nhiễm một số bệnh dại và ít nhất 23 người đã tử vong.

Loài dơi đã cắn người và làm bùng phát bệnh dại ở đông bắc Brazil năm 2005
Loài dơi đã cắn người và làm bùng phát bệnh dại ở đông bắc Brazil năm 2005

Còn loài dơi ma cà rồng có lông chân cũng được biết là mang theo virut hanta gây chết người.

Nhóm nghiên cứu cho rằng chúng đã xâm nhập vào các ngôi nhà thông qua lỗ ở trên mái hoặc cửa sổ, hoặc nhắm mục tiêu đến những người ngủ ngoài trời.

Anh Thư (Tổng hợp)