1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện mới về “sát thủ” giết chết hầu hết các loài khủng long

(Dân trí) - 66 triệu năm trước, 75% tất cả sự sống trên Trái đất, bao gồm hầu hết các loài khủng long đã tuyệt chủng.

Nguyên nhân được cho là bởi một tiểu hành tinh lớn đâm sầm vào một khu vực ngoài khơi bờ biển Mexico ngày nay.

Phát hiện mới về “sát thủ” giết chết hầu hết các loài khủng long - 1

Đã có rất nhiều tranh luận về mức độ ảnh hưởng của núi lửa dữ dội đối với sự sống trên Trái đất cùng vào thời điểm đó.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã có những phát hiện mới cho thấy vụ va chạm đã đủ tiêu diệt gần như toàn bộ sự sống trên Trái đất mà không cần bất kỳ sự “trợ giúp” nào từ núi lửa. Thậm chí núi lửa còn có tác dụng ngược lại.

Công trình nghiên cứu được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, đã xem xét tác động của tác động của tiểu hành tinh Chicxulub ở bán đảo Yucatán và vụ phun trào của núi lửa Deccan Traps ở Ấn Độ ngày nay.

Cả hai hiện tượng đều giải phóng khí và vật chất vào khí quyển. Những tác động này ảnh hưởng đến khí hậu nhưng các nhà khoa học không chắc chắn về những ảnh hưởng tương đối của chúng.

Để nghiên cứu sâu hơn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình toán học và các dấu vết địa chất của khí hậu, kết hợp chúng với các yếu tố môi trường như lượng mưa và nhiệt độ. Công trình cho thấy một mình tiểu hành tinh chịu trách nhiệm cho việc chặn ánh sáng của Mặt trời, khiến Trái đất rơi vào một mùa đông kéo dài hàng thập kỷ.

“Chúng tôi chỉ ra rằng tiểu hành tinh đã gây ra một mùa đông ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ và những tác động môi trường này đã làm suy giảm môi trường sống đối với khủng long. Ngược lại, tác động của các vụ phun trào núi lửa dữ dội không đủ mạnh để phá vỡ đáng kể các hệ sinh thái toàn cầu”, tiến sĩ Alessandro Chiarenza, người đã thực hiện công việc trong khi nghiên cứu tiến sĩ tại Khoa Khoa học Trái đất và Kỹ thuật tại Cao đẳng Hoàng gia London cho biết.

Nghiên cứu này cũng là lần đầu tiên xác định về mặt định lượng, cho rằng lời giải thích hợp lý duy nhất cho sự tuyệt chủng là mùa đông tác động xóa sổ môi trường sống của khủng long trên toàn thế giới.

Nghiên cứu lật hoàn toàn kịch bản đối với núi lửa Deccan Traps. Công trình nghiên cứu thay vào đó cho thấy núi lửa dữ dội đã giúp một số loài vượt qua sự tàn phá của mùa đông kéo dài.

“Thực tế, chúng tôi cung cấp bằng chứng mới cho thấy rằng các vụ phun trào núi lửa xảy ra cùng thời gian có thể làm giảm tác động đến môi trường. Đặc biệt là làm tăng nhiệt độ sau mùa đông cực dài. Sự nóng lên do núi lửa này đã giúp thúc đẩy sự sống sót và phục hồi của các loài động vật và thực vật đã bị tuyệt chủng, với nhiều nhóm mở rộng ngay sau đó, bao gồm cả chim và động vật có vú”, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Trang Phạm

Theo IFL Science