1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện mới về nguồn gốc cây lúa gạo thuần cổ đại

(Dân trí) - Một nhóm các nhà khảo cổ trong đó đứng đầu là giáo sư Gary Crawford đến từ Đại học Toronto Mississauga (UTM) mới đây cho biết họ vừa phát hiện ra những nguồn gốc mới của cây lúa gạo cũng như lịch sử hình thành quá trình canh tác nông nghiệp của tổ tiên loài người.

"Hiện nay, lúa gạo là một trong những loại ngũ cốc quan trọng, đóng vai trò quyết định vấn đề cung cấp lương thực cho mỗi quốc gia, đồng thời, chi phối sâu sắc sự phát triển của nền kinh tế các nước thế giới. Tuy nhiên, có những thời điểm, lúa gạo chỉ được xem như một loài thực vật mọc hoang dại tại mỗi địa phương. Vậy, loài người trong thời kỳ xa xưa đã trở thành những người nông dân trồng lúa thực thụ từ khi nào và như thế nào?” - đây cũng chính là câu hỏi mà GS. Crawford - nhà nhân chủng học, khảo cổ học chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và các loài thực vật trong thời tiền sử đặt ra.

Giáo sư Gary Crawford
Giáo sư Gary Crawford

Nhóm chuyên gia gồm Crawford và ba nhà nghiên cứu đến từ Viện Di sản văn hóa và Khảo cổ học ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã phát hiện các vết tích của giống lúa thuần cổ đại bên dưới thung lũng sông Dương Tử, Trung Quốc. Đặc biệt, họ quan sát thấy khoảng 30% nguyên liệu hình thành nên cây lúa bao gồm: gốc lúa, vỏ trấu và các lớp biểu bì lá… Loài thực vật này trông không giống như chúng mọc trong tự nhiên mà là do con người trồng nên để phục vụ đời sống canh tác nông nghiệp bền vững. Crawford cho biết phát hiện này chứng tỏ lịch sử hình thành nghề trồng lúa có thể đã xuất hiện tại một thời điểm sớm hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu của các nhà nghiên cứu.

Cây lúa gạo được cho là thuần dưỡng đầu tiên và sớm nhất ở Trung Quốc có những đặc điểm giống với japonica - một giống lúa có hạt gạo ngắn, tròn được trồng chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Giống lúa này cho hạt gạo chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp phòng, chống bệnh tật và người Nhật thường chọn làm sushi. Crawford cho biết phát hiện giúp làm sáng tỏ nguồn gốc giống lúa gạo lần đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc.

Crawford và các đồng nghiệp đã dành khoảng ba năm thực hiện điều tra khảo sát và thăm dò khảo cổ tại một khu vực có diện tích 5 ha, có tên gọi là Huxi nằm trong một lưu vực bằng phẳng, cao hơn khoảng 100m so với mực nước biển. Tham gia nhóm điều tra khảo cổ còn có giáo sư nhân chủng học David Smith và hai sinh viên tốt nghiệp đại học Mississauga là Danial Kwan và Nattha Cheunwattana. Nhóm quyết định thực hiện công việc khảo sát vào đầu mùa xuân, mùa thu và mùa đông nhằm mục đích tránh những cơn mưa cuối mùa xuân hay những tháng nóng cực điểm vào mùa hè. Khi đào bên dưới mặt đất 1,5 mét, các chuyên gia đã khai quật được rất nhiều di vật gốm sứ, công cụ đá được chế tác và đẽo gọt hết sức tinh vi cùng nhiều mẫu xương động vật, than củi và các loại hạt giống cây trồng khác.

Nghiên cứu mới được thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu đã được công bố trước đó của Crawford về lịch sử, nguồn gốc hình thành của các loại công cụ đồ đá, loài thực vật và động vật và con người thời tiền sử tại nhiều khu vực trên đất nước Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm và đang nỗ lực tìm hiểu và nghiên cứu về một “sức mạnh” có khả năng hấp dẫn, khiến tổ tiên loài người chuyển từ hình thức chuyên săn bắt hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt.

"Có một câu hỏi mà tôi luôn băn khoăn và muốn tìm lời giải đáp xác đáng, đó là về “thế lực” nào đó có khả năng thôi thúc loài người thay thế hoàn toàn lối sống săn bắt, hái lượm trước đó để chuyển sang làm nông nghiệp với phương thức trồng trọt và chăn nuôi?”, Crawford nhấn mạnh. "Con người đã làm mọi thứ cần làm trong khả năng nhằm mục đích thay đổi đáng kể cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên, khiến cuộc sống trở nên dễ dàng, phát triển bền vững hơn. Và canh tác nông nghiệp chính là câu trả lời rõ ràng nhất và cũng bất ngờ nhất. Phát hiện về nguồn gốc của giống lúa gạo chính là minh chứng cụ thể của sự thay đổi đó".

Nghiên cứu của Crawford và cộng sự đã nhận được tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn và được công bố trong Báo cáo khoa học của nhà xuất bản tạp chí Nature.

P.K.L- NASATI (Theo Phys)