Phát hiện lý thú về năng lực khứu giác của con người
Khứu giác của con người "nhạy" không kém gì những loài động vật có vú được coi là có khả năng "ngửi" xuất sắc như chuột hay chó.
Đây là phát hiện mới của một nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Khoa học ngày 11/5, trái ngược với suy nghĩ tồn tại hơn một thế kỷ qua về khả năng nhận biết mùi của con người.
Bằng việc lật lại các nghiên cứu và những bài viết lịch sử vốn đã khiến con người "ngộ nhận" rằng khứu giác của loài người không mấy ưu việt, chuyên gia thần kinh học John McGann đến từ Đại học Rutgers khẳng định điều ngược lại rằng thực tế khứu giác của chúng ta chẳng thua kém loài động vật có vú nào.
Cụ thể, nhà khoa học McGann khẳng định con người có thể phân biệt gần 1.000 tỷ mùi khác nhau chứ không phải là chỉ 10.000 mùi như những hiểu biết trước đây.
Theo nhà khoa học này, những kiến thức sai lệch về khứa giác của con người tồn tại từ thế kỷ 19 khi nhà phẫu thuật não Paul Broca khẳng định khả năng phân biệt mùi của con người hạn chế hơn so với loài động vật khác.
Khi đó, nhà khoa học Broca lập luận rằng thể tích khu vực khứu giác của con người nhỏ hơn so với các loài khác, đồng nghĩa với việc con người có nhận thức và không phải phụ thuộc vào việc phân biệt các loại mùi để tồn tại.
Song ông McGann cho biết tuy chỉ chiếm 0,01% thể tích não, thấp hơn so với mức 2% ở loài chuột, nhưng kích thước toàn diện cơ quan khứu giác của con người có thể lên tới 60mm ở người trưởng thành và có số nơron thần kinh tương đương với số nơron thần kinh trong cơ quan khứu giác của các loài động vật có vú khác.
Vì vậy, có thể việc con người không phát hiện các mùi mà chuột hay chó có thể phát hiện ra đơn giản chỉ là vì con người không nhạy cảm với những mùi đó chứ không phải vì khứu giác kém.
Theo TTXVN/Tin Tức