Phát hiện loài chuột có chu kỳ kinh nguyệt giống con người

(Dân trí) - Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Monash ở Úc đã phát hiện một loài động vật thuộc bộ gặm nhấm có chu kỳ kinh nguyệt giống con người. Trong báo cáo kết quả nghiên cứu, nhóm chuyên gia cho biết phát hiện mới đầy thú vị của họ có thể hữu ích đối với những dự án nghiên cứu về hệ thống sinh sản ở phụ nữ.

Phần lớn các nghiên cứu trên động vật được thực hiện trên các loài gặm nhấm mà thông thường nhất là loài chuột. Việc sử dụng chuột trong nghiên cứu y sinh học ngày càng trở nên phổ biến, nhằm mục đích nghiên cứu các bệnh xảy ra ở người nhưng quan trọng hơn là để thử nghiệm và tìm ra các phương pháp điều trị bệnh khác nhau.

Ảnh: Andy Mabbett/Wikipedia
Ảnh: Andy Mabbett/Wikipedia

Tuy nhiên, từ trước đến nay, vai trò của chuột trong các nghiên cứu về bệnh liên quan đến hệ thống sinh sản ở nữ giới, trong đó có chứng bệnh Lạc Nội Mạc Tử Cung (Endometriosis) không được đánh giá cao bởi người ta cho rằng hệ thống sinh sản ở chuột, mà cụ thể là chu kỳ kinh nguyệt của chúng không giống của con người.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Monash đã phát hiện ra một trường hợp cá biệt trong số những loài động vật thuộc bộ gặm nhấm, đó là loài chuột gai. Loài này có không chỉ một chu kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên, điểm đặc biệt là ở chỗ: một trong số chu kỳ này lại có đặc điểm giống với chu kỳ kinh nguyệt của con người.

Cụ thể, một chu kỳ kinh nguyệt điển hình của loài chuột này thường kéo dài trung bình là 9 ngày, trong đó, hiện tượng chảy máu sẽ xảy ra trong vòng 3 ngày, chiếm 20 - 40% thời gian của chu kỳ. Trong khi đó, ở người, chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài khoảng 28 ngày tính từ ngày máu kinh xuất hiện. Trung bình thời gian "đèn đỏ" của chị em kéo dài 3-4 ngày, ở một số người, giai đoạn này có thể dài hoặc ngắn hơn một chút, chiếm khoảng 15 - 35% giai đoạn chu kỳ. Do đó, khi thực hiẹn một phép so sánh giữa con người với loài chuột gai thì đặc điểm về chu kỳ kinh nguyệt ở hai loài có thể thấy là giống nhau.

Trước đây, nhiều người tin rằng ở loài chuột không xảy ra hiện tượng kinh nguyệt. Vì lẽ đó, nhóm nghiên cứu đã quyết định thực hiện một nghiên cứu chi tiết và tỉ mỉ hơn. Trong thí nghiệm, bên cạnh việc quan sát và ghi chép các dữ liệu, nhóm nghiên cứu còn tiến hành vệ sinh sạch sẽ âm đạo của một số cá thể chuột cái được chọn. Và tiếp đó, để đảm bảo cũng như khẳng định quá trình rửa ráy, vệ sinh không phải là nguyên gây chảy máu ở âm đạo, các chuyên gia đã thực hiện thao tác tương tự đối với một loài chuột không có chu kỳ kinh nguyệt khác, và nhận thấy rằng hiện tượng chảy máu kinh nguyệt không xảy ra.

Sau đó, nhóm tiến hành giải phẫu tử cung của những con chuột đã chết tại các thời điểm, giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, họ quan sát thấy bộ gen của loài chuột gai đã được thay thế và xếp chuỗi bằng một bộ gen khác, điều đó cũng có nghĩa là việc tiêp theo họ cần làm là tiến hành một nghiên cứu nhằm xác định những gen quy định sự điều tiết chu kỳ kinh nguyệt ở loài chuột này.

Để tìm hiểu và nhận thức rõ hơn về hệ thống sinh sản của loài chuột gai nói chung, chúng ta cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn nữa trước khi áp dụng thử nghiệm để tìm ra phương pháp điều trị trên con người. Tuy nhiên, phát hiện về loài động vật thuộc bộ gặm nhấm mà cụ thể ở đây là loài chuột gai có chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng khoa học hết sức thú vị do trên thực tế, hiện tượng kinh nguyệt chỉ xảy ra ở 1,5% số lượng các loài động vật có vú, trong đó, chiếm ưu thế là loài linh trưởng.

Hiện nay, hầu hết các nghiên cứu về hiện tượng chảy máu kinh nguyệt ở động vật có vú chủ yếu được thực hiện trên loài khỉ đầu chó, tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết họ vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn như: chi phí cho nghiên cứu tốn kém hay thậm chí là các vấn đề liên quan đến quyền động vật.

P.K.L- NASATI (Theo Phys)