Phát hiện loài bò sát nhỏ nhất thế giới
(Dân trí) - Tắc kè hoa Madagascar Brookesia nana được xác định là loài bò sát nhỏ nhất thế giới khi chỉ dài khoảng 13,5mm, có thể nằm gọn trên đầu ngón tay của con người.
Brookesia nana là một loài tắc kè hoa cực kỳ nhỏ bé đến từ các khu rừng nhiệt đới phía bắc Madagascar. Các nhà nghiên cứu gần đây đã mô tả một con đực và một con cái của loài này trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Họ đã bị choáng váng trước kích thước đặc biệt nhỏ của con đực. Với kích thước chỉ 13,5 mm, con đực trưởng thành là loài bò sát trưởng thành nhỏ nhất từng được mô tả. Trên thực tế, con đực B. nana thậm chí còn nhỏ hơn so với con cái của mình, có chiều dài từ mõm đến thân là 19,2 mm.
"Do sơ đồ cơ thể chung của loài bò sát khá giống với động vật có vú và con người, thật hấp dẫn khi thấy những sinh vật thu nhỏ này và các cơ quan của chúng có thể có được như thế nào", Frank Glaw, nhà nghiên cứu về động vật học tại Bavarian State Collection of Zoology ở Munich, cho biết.
Tuy nhiên, không phải mọi cơ quan của Brookesia nana đều được thu nhỏ như vậy. Thằn lằn đực có một cặp cơ quan sinh sản gọi là hemipenes - hai bộ phận sinh dục hình ống nằm ngược bên trong cơ thể con đực, cho đến khi đến thời điểm giao phối.
Đáng ngạc nhiên, đây không phải là một đặc điểm bất thường trong số những loài thằn lằn nhỏ nhất thế giới. Nhóm nghiên cứu nhận thấy chiều dài bộ phận sinh dục của những con tắc kè hoa có liên quan dao động từ 6,3% đến 32,9% tổng chiều dài cơ thể của con đực, với tỷ lệ trung bình là 13,1% trên 52 loài.
"Điều này tiết lộ một mô hình thú vị đó là các loài nhỏ nhất thường có kích thước bộ phận sinh dục lớn nhất tương xứng", đồng tác giả nghiên cứu Mark Scherz từ Đại học Potsdam ở Đức, thông tin.
Theo Scherz, nó có thể liên quan đến sự khác biệt về kích thước giữa con đực và con cái của những loài bò sát nhỏ bé này.
Tuy nhiên, do chỉ có hai mẫu vật được biết đến của Brookesia nana,các nhà khoa học vẫn chưa biết những sinh vật này nguy cấp như thế nào. Nhưng vì rừng nhiệt đới của Madagascar phải đối mặt với mối đe dọa đáng kể từ các hoạt động xâm lấn của con người như phá rừng và nông nghiệp, những con thằn lằn này cũng có thể gặp nguy hiểm.