1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện lỗ thông hơi carbon dioxide dưới đáy biển ngoài khơi Philippines

(Dân trí) - Sâu hàng trăm mét dưới bề mặt đại dương ngoài khơi Philippines, các nhà khoa học đã bắt gặp một điểm nóng của khí carbon dioxide.

Phát hiện lỗ thông hơi carbon dioxide dưới đáy biển ngoài khơi Philippines - 1
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một điểm mới phun ra nhiều carbon dioxide dưới đáy biển ngoài khơi Philippines.

Đó là một lỗ thông hơi có thể giúp chúng ta dự đoán các rạn san hô để đối phó với biến đổi khí hậu như thế nào.

Bayani Cardenas, giáo sư Khoa Khoa học Địa chất tại Đại học Texas, Austin, đã vô tình phát hiện ra lỗ phun nước carbon dioxide này trong khi nghiên cứu ảnh hưởng của dòng nước ngầm vào môi trường đại dương ở đảo Verde, Philippines.

Eo biển này chạy giữa đảo Luzon và Mindoro, nối Biển Đông với Vịnh Tayabas. Bên dưới bề mặt cũng chứa một trong những hệ sinh thái biển đa dạng nhất trên thế giới. Và các rạn san hô không giống như các rạn san hô bị tẩy trắng ở nơi khác, đang phát triển khá mạnh.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho điểm nóng mới là Soda Springs và cho rằng nó có thể đã phát ra những bong bóng này trong nhiều thập kỷ hoặc thậm chí hàng thiên niên kỷ.

Soda Springs là kết quả của một ngọn núi lửa dưới nước, thổi khí và nước axit qua các vết nứt dưới đáy đại dương. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ carbon dioxide rất cao, gấp hơn 200 lần nồng độ có trong khí quyển.

Mức độ nhanh chóng giảm xuống khi khí chảy vào đại dương rộng lớn, nhưng đáy biển đã giải phóng đủ khí để tạo ra mức độ cao (400 đến 600 ppm) và đủ axit để giảm độ pH cho bờ biển gần đó. Do đó, đây có thể là một địa điểm lý tưởng để nghiên cứu làm thế nào các rạn san hô khác trên thế giới có thể đối phó với biến đổi khí hậu khi nó mang nhiều carbon dioxide vào môi trường của chúng.

Hơn nữa, bằng cách truy tìm các mức radon-222, một đồng vị phóng xạ xuất hiện tự nhiên được tìm thấy ở vùng nước ngầm trong khu vực, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các điểm nóng dưới đáy biển nơi nước ngầm được thải ra đại dương.

Không rõ làm thế nào những rạn san hô phát triển mạnh trong môi trường giàu carbon dioxide như vậy, nhưng một lần nữa, không có nhiều thông tin về khu vực này.

"Đó thực sự là một phần lớn của đại dương chưa được khám phá. Nó quá nông cho các phương tiện hoạt động từ xa và quá sâu cho các thợ lặn thông thường", Cardenes nói.

Minh Long

Theo Live Science