Phát hiện lỗ hổng bí ẩn ở Nam Cực
(Dân trí) - Đầu những năm 1970, khi các vệ tinh lần đầu tiên bắt đầu chụp ảnh Trái Đất, các nhà khoa học nhận thấy một lỗ hổng bí ẩn phía trên một trong những khối băng theo mùa của Nam Cực, trôi nổi trên vùng biển Lazarev.
Đến mùa hè, lỗ hổng này lại biến mất. Trong nhiều thập kỷ, sự kiện kỳ lạ không giải thích được vẫn tiếp tục xảy ra.
Cho đến gần đây, trong những tháng mùa đông lạnh nhất của lục địa, các nhà khoa học đã phát hiện ra một lỗ hổng rộng đến 9.500 km2. 2 tháng sau, nó đã phát triển lớn hơn 740%, trước khi một lần nữa lại bất ngờ biến mất.
Các nhà khoa học nghĩ rằng cuối cùng họ cũng hiểu tại sao điều này cứ xảy ra như vậy. Sử dụng các quan sát vệ tinh và dữ liệu phân tích, các nhà nghiên cứu từ Đại học New York Abu Dhabi (NYUAD) đã phát hiện ra rằng các lỗ hổng bí ẩn này, được gọi là vùng nước mở rộng, là sản phẩm còn lại của những trận bão lốc.
Vào tháng 9 năm 2017, khi không khí nóng và không khí lạnh va chạm ở Nam Cực, các tác giả giải thích rằng những cơn gió xoáy có tốc độ đạt tới 117 km/h và thổi lên những con sóng cao đến 16m đẩy gói băng ở Nam Cực theo mọi hướng và tránh xa cơn bão, giống như một mũi khoan xuống mặt nước bên dưới.
Thực tế vùng nước mở rộng này không hẳn là xấu. Những vết thủng băng giá này có thể hết sức quan trọng. Là một cánh cửa giữa đại dương và bầu trời, chúng cung cấp những con đường quan trọng cho động vật hoang dã, bao gồm hải cẩu và chim cánh cụt, và cung cấp môi trường sống cho thực vật phù du.
Những khoảng trống này cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bầu khí quyển và là một chỉ số của nghiên cứu biến đổi khí hậu.
"Sau khi mở ra, vùng nước mở rộng này hoạt động giống như một cửa sổ xuyên qua băng biển, truyền một lượng năng lượng khổng lồ trong mùa đông giữa đại dương và khí quyển”, tác giả chính của nghiên cứu mới, nhà khoa học khí quyển NYUAD Diana Francis nói.
Minh Long (Theo Science Alert)