Phát hiện hóa thạch trăn cổ nhất thế giới ở châu Âu

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết phát hiện mới là hóa thạch lâu đời nhất được biết đến trên thế giới của loài trăn.

Kỳ lạ hơn là hóa thạch của con quái vật thời tiền sử này được phát hiện ở châu Âu, nơi không có loài động vật nào như vậy ngày nay.

Phát hiện hóa thạch trăn cổ nhất thế giới ở châu Âu - 1

Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Biology Letters, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Senckenberg và từ Đại học São Paulo ở Brazil đã mô tả hóa thạch 47 triệu năm tuổi của một con trăn gần như hoàn chỉnh có kích thước khoảng 1 mét.

Loài mới này được đặt tên Messelopython freyi để tỏ lòng kính trọng đối với nhà cổ sinh vật học Eberhard "Dino" Frey từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia ở Karlsruhe, Đức.

Mẫu vật tuyệt đẹp được phát hiện tại Messel Pit, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Đây cũng là nơi đã tiết lộ một kho tàng các phát hiện hóa thạch trong những thập kỷ gần đây, bao gồm một loạt các loài động vật có vú, chim, bò sát và cá thời tiền sử.

Ngày nay, hàng chục loài trăn được tìm thấy chủ yếu ở Châu Phi, Nam, Đông Nam Á và Úc, nhưng không có loài nào được tìm thấy ở Châu Âu.

Vì phát hiện mới này là hóa thạch trăn lâu đời nhất từng được phát hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng điều nó cho thấy loài trăn có thể có một số mối quan hệ tiến hóa chặt chẽ với các vùng đất ngày nay thuộc châu Âu.

"Nguồn gốc địa lý của loài trăn vẫn chưa rõ ràng. Do đó, việc phát hiện ra một loài trăn mới ở Messel Pit là một bước tiến lớn trong việc tìm hiểu lịch sử tiến hóa của loài trăn.Theo phát hiện của chúng tôi, những con trăn này đã xuất hiện ở châu Âu vào thời kỳ Eocene, hơn 47 triệu năm trước. Các phân tích lần theo lịch sử tiến hóa của chúng đến Châu Âu", tiến sĩ Hussam Zaher, tác giả nghiên cứu từ Đại học São Paulo cho biết.

Những con trăn ngày nay sống ở những nơi hoàn toàn khác trên thế giới với những họ hàng rất giống nhau về mặt giải phẫu.

Khi con trăn này còn sống, thế giới là một nơi rất khác. 47 triệu năm trước, châu Âu là một phần của siêu lục địa cổ đại được gọi là Laurasia, bao gồm Bắc Mỹ và phần lớn châu Á. Thời kỳ thống trị của loài trăn ở khu vực ngày nay là châu Âu cũng không hề thay đổi. Hóa thạch của họ rắn này không xuất hiện nữa cho đến kỷ Miocen, khoảng thời gian từ 23 triệu đến 5 triệu năm trước. Khi nhiệt độ ở châu Âu bắt đầu giảm sau kỷ Miocen, loài trăn một lần nữa biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch của lục địa này.