1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện hố tử thần thời Đồ đá mới cách đây 6.200 năm

Phạm Hường

(Dân trí) - Khoảng 6.200 năm trước, 41 người đã bị giết và chôn trong một ngôi mộ tập thể. Người ta nghi ngờ rằng chính những người cùng bộ tộc đã giết họ.

Các nhà khảo cổ học vừa khai quật ngôi mộ tập thể này ở Croatia. Các bộ xương cho biết các nạn nhân có độ tuổi từ 2 đến 50, và một nửa trong số đó là trẻ em. Nhiều người chết do những cú đập mạnh vào đầu từ phía sau. Không có dấu vết nào trên xương cánh tay chứng tỏ các nạn nhân không hề có sự chống cự nào trước khi chết.

Phát hiện hố tử thần thời Đồ đá mới cách đây 6.200 năm - 1

Hộp sọ của hai người trong vụ thảm sát ở Potočani. Các vết thương trên sọ não tại thời điểm hoặc gần thời điểm hai người này chết, bên trái là cậu bé khoảng 11 đến 17 tuổi, bên phải là một phụ nữ trẻ.

Phân tích gene cho thấy khoảng 70% số người này không có quan hệ họ hàng gần, nhưng đều chung một tổ tiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể vụ thảm sát là do sự bùng nổ dân số đột ngột hoặc biến đổi khí hậu trầm trọng làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên và dẫn đến những vụ giết người hàng loạt bừa bãi. 

Ngôi mộ này được phát hiện vào năm 2007, khi một người đàn ông sống ở một ngôi làng nhỏ ở vùng đồi Potočani, Croatia, đào móng để xây ga ra ô tô thì mưa to đã làm trôi đất và lộ ra hàng chục bộ xương. Tình cờ các nhà khảo cổ học ở Trường đại học Zagreb đang tiến hành khảo sát gần đó, biết được tin và họ đã lập tức đến tìm hiểu hố chôn tập thể này.

Hố chôn khá nhỏ, đường kính khoảng 2 mét và sâu 1 mét. Ban đầu, các nhà khảo cổ học cho rằng đây là xương của những người hiện đại, sống vào khoảng thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc Chiến tranh Croatia vào những năm 1990. Nhưng trong hố không hề có đồ vật đương đại nào, chỉ có một số mảnh gốm trông giống như từ thời tiền sử. Khi kiểm tra kỹ xương răng của các nạn nhân, các nhà khoa học không hề tìm thấy chất hàn răng nào. Kiểm tra xương, đất và các mảnh gốm bằng phương pháp carbon phóng xạ, các nhà khoa học biết rằng những di vật này có tuổi đời khoảng 4.200 năm trước Công nguyên.

Nhưng vì sao những người này lại bị chôn cùng nhau? Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã lấy mẫu DNA từ các bộ xương và tiến hành phân tích đối với 38 nạn nhân. Họ phát hiện ra hầu hầu những người này có ít nhất một vết thương chết người ở phía sau hộp sọ, thậm chí có những hộp sọ có đến 4 vết thương. Vào thời trung cổ ở châu Âu, những ngôi mộ tập thể thường chôn người đủ mọi lứa tuổi, không kể giới tính, là bệnh nhân thiệt mạng do đại dịch Cái chết Đen, nhưng những người trong hố chôn tập thể ở Potočani không chết vì căn bệnh truyền nhiễm đó mà do bạo lực. Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân thuyết phục nhất là một vụ thảm sát.

Không có vết thương trên mặt hoặc chân tay, vì thế có khả năng là họ không chết trong một cuộc giao tranh, nhưng không rõ họ bị khống chế hay không còn khả năng chống cự. "Nếu một người biết mình bị tấn công bằng gươm hoặc dùi cui, người đó sẽ có phản xạ đưa tay lên để bảo vệ đầu, và sẽ có ít nhất một vài dấu vết thương tích ở xương cánh tay, nhưng chúng tôi không hề thấy vết thương nào trên mặt hoặc tay hay bất cứ vết thương nào do tự vệ" - nhà nghiên cứu Novak của Trường đại học Zagreb cho biết.

Phát hiện hố tử thần thời Đồ đá mới cách đây 6.200 năm - 2

Hố chôn tập thể ở Potočani, lớp bên trên là nhiều bộ xương lộn xộn.

Phân tích gene cho thấy chỉ có 11 nạn nhân là họ hàng thân thích, vì thế vụ thảm sát này không phải có mục đích nhắm vào một gia đình, và cũng không giống như một vụ giết người có kế hoạch do phân biệt đối xử. Vì nếu vậy thì kẻ thù thường giết đàn ông và giam hoặc cướp phụ nữ. Trong trường hợp này có thể nó là giết người một cách ngẫu nhiên, không quan tâm đến tuổi tác hay giới tính.

Mới đây người ta cũng phát hiện ở Tây Ban Nha một hố chôn tập thể người của thời Đồ đá. Di tích để lại cũng là nhiều bộ xương lẫn lộn của người già và trẻ, cả nam và nữ. Phân tích DNA cho thấy họ là những người mới đến vùng này, nên có thể họ đã bị người địa phương giết để bảo vệ lãnh thổ. Nhưng bằng chứng gene của nạn nhân ở Potočani lại cho thấy mặc dù đa số họ không phải họ hàng ruột thịt nhưng họ vẫn có chung tổ tiên. Điều đó có nghĩa là họ không phải người mới đến vùng này, nên có thể loại trừ khả năng cuộc thảm sát liên quan đến làn sóng di cư mới. 

Cách giải thích thuyết phục nhất là cách mà các nhà khảo cổ học và khí hậu học đã từng giải thích cho những địa điểm chôn tập thể người cổ đại cách đây khoảng 5.000 năm và được tìm thấy ở Đức và Áo, trong đó trẻ em và người lớn cũng bị giết bừa bãi và ném vào những hố chôn tập thể nông. Kết hợp với các nghiên cứu về điều kiện môi trường thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, các nhà nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu kéo dài đã gây ra hạn hán và lụt lội, cùng với bùng nổ dân số không thể kiểm soát đã dẫn đến tranh giành các nguồn tài nguyên khan hiếm. Và ở Potočani, một trong những cuộc tranh giành đó đã trở thành nguyên nhân của những vụ thảm sát. 

"Thông qua tìm hiểu những vụ thảm sát trong lịch sử, chúng ta có thể biết được tâm lý của con người xưa kia và góp phần ngăn chặn những sự kiện tương tự có thể xảy ra vào thời đại ngày nay. Chúng ta có bằng chứng của những cuộc thảm sát từ cách đây 10.000 năm. Ngày nay cũng có những cuộc thảm sát. Điều duy nhất thay đổi là ngày nay chúng ta có phương tiện và vũ khí hiện đại để thực hiện việc đó, còn tôi không nghĩ bản chất con người hay tâm lý con người đã thay đổi" - đó là nhận xét của nhà khảo cổ học Novak.