1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện hành tinh có màu hồng kì lạ gần Trái đất

Trang Phạm

(Dân trí) - Các nhà thiên văn học mới đây tuyên bố đã phát hiện ra một hành tinh khí khổng lồ mới hình thành cách đây khoảng 160 triệu năm.

Đặc biệt hơn là hành tinh này hiện phát ra ánh sáng màu hồng độc nhất vô nhị.

Phát hiện hành tinh có màu hồng kì lạ gần Trái đất - 1

Hành tinh được đặt tên GJ 504b, có khối lượng áng chừng gấp vài lần sao Mộc, nhưng kích thước gần bằng nhau, nằm cách Trái đất khoảng 57 năm ánh sáng.

Theo NASA, hành tinh khí khổng lồ này có khối lượng thấp nhất từng được phát hiện, quay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời của chúng ta.

Thực tế, các hành tinh có xu hướng rất nóng trong quá trình hình thành và vẫn nóng trong một thời gian sau khi chúng thu thập bất kỳ vật chất nào ở gần đó. Có thể mất hàng trăm triệu năm để các hành tinh cuối cùng nguội đi, nhưng GJ 504b thì chưa có nhiều thời gian như vậy.

Được hình thành cách đây khoảng 160 triệu năm, GJ 504b vẫn còn khá nóng và ánh sáng do nhiệt độ của nó chính là thứ tạo ra màu hồng kì lạ bao quanh.

“GJ 504b nặng hơn khoảng 4 lần so với Sao Mộc, có nhiệt độ hiệu dụng (nhiệt độ của một vật thể màu đen sẽ phát ra cùng một lượng bức xạ điện từ) khoảng 237 độ C. Nó quay quanh ngôi sao G0 GJ 504, nóng hơn một chút so với Mặt trời có thể nhìn thấy lờ mờ bằng mắt thường trong chòm sao Xử Nữ. Các nhà nghiên cứu ước tính hệ thống này khoảng 160 triệu năm tuổi dựa trên các phương pháp liên kết màu sắc và chu kỳ quay của ngôi sao với tuổi của nó”. NASA thông tin.

Ở khoảng cách chỉ 57 năm ánh sáng, hệ thống này được cho tương đối… gần so với Trái đất. Tuy nhiên, nó vẫn còn quá xa để chúng ta có ý nghĩ ghé thăm nó.

Chúng ta cũng không bao giờ mong đợi có thể tìm thấy sự sống trên một hành tinh như GJ 504b bởi những hành tinh khí khổng lồ kiểu này có vẻ không phù hợp với sự tồn tại của sự sống, ít nhất là theo những gì chúng ta biết hiện tại.