Phát hiện hàng chục quan tài cổ trên núi Lạng Sơn

Sự đồn thổi về một hang sâu trên dãy núi đá vôi sát biên giới Việt-Trung chứa 20 chiếc quan tài cổ kèm theo vàng bạc châu báu đã khiến nhiều người tìm đến bất chấp hiểm nguy tính mạng.

Phát hiện hàng chục quan tài cổ trên núi Lạng Sơn - 1

Lưng chừng núi Phja Mòn (đánh dấu tròn), nơi có quan tài cổ. Ảnh: Duy Chiến.

Chết người

Theo báo cáo của công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, khoảng 9 giờ, ngày 15/10/2017, các ngành chức năng địa phương phát hiện một dây thang dài khoảng 60 mét làm bằng sợi tổng hợp màu xanh, nan làm bằng ống sắt hai đầu treo từ giữa vách đá của núi Phja Mòn xuống Quốc lộ 4A, thuộc địa phận khu 5, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng.

Công an huyện Văn Lãng vào cuộc điều tra, xác định có 4 người gồm: Nguyễn Thanh Hải (SN 1965), Hứa Văn Mong (SN 1974), Hứa Văn Vàng (SN 1990, đều trú tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) và Đoàn Hồng Thiên (SN 1992, cán bộ công an huyện Tràng Định, Lạng Sơn) liên quan đến sự việc.

Tại cơ quan công an, nhóm người trên khai nhận, họ nghe tin đồn về việc ở giữa quả núi cao, hiểm trở Phja Mòn có hang bí ẩn, nơi đó chứa nhiều vàng bạc châu báu của người xưa để lại.

Năm 2001, đã có một tốp người lọt vào trong hang. Hai người sau khi trở về đã chết. Một người được xác định khi đu dây từ trên hang xuống đất, dây không đủ tiếp đất, người này nhảy đại xuống, bị sụn lưng và tử vong ngay sau đó.

Cái chết của những người tìm vàng vô tình như ma lực để nhóm 4 người sinh sống ở địa phương tiếp tục vào hang tìm của. Họ thống nhất với nhau, thực hiện công việc vào ban đêm, ban ngày nấp, nghỉ ở các hốc, hang đá.

Khoảng 20 giờ ngày 13/10/2017, bốn người xuất phát từ nhà Hải, mang theo thang dây đi theo đường mòn Cốc Lải lên đỉnh núi Phja Mòn, sau đó thả dây thang từ trên đỉnh xuống khu vực hang đá ở lưng chừng núi (hang này cách đỉnh núi chừng 50m và cách chân núi trên 60 m). Hai người còn lại là Mong, Vàng đứng chờ ở đỉnh núi tiếp tế.

Sau khi thăm dò xong, tối hôm sau, họ thả dây, đu người xuống mặt đất và sau đó bị cơ quan công an địa phương triệu tập.

Đại tá Phạm Tuấn Bằng, Trưởng công an huyện Văn Lãng, cho biết, căn cứ tài liệu và lời khai của các đối tượng, miệng hang nghi chứa vàng rộng khoảng 3m, cao 3m. Từ miệng hang sâu vào trong có một gò đá cao khoảng 1m, chắn ngay cửa hang. Trong hang có nhiều khoang (các đối tượng đã thăm dò được 3 khoang). Khoang đầu tiên rộng khoảng 60m2 (dài 10m, rộng 6m).

Khoảng giữa khoang đầu tiên bên phải có một lối nhỏ hướng lên trên, đến một lòng hang rộng khoảng 60m2 song song, cao hơn lòng hang đầu tiên.

Tại đây chứa khoảng 20 chiếc quan tài gỗ hình tròn (dài chừng 1m, rộng khoảng 40cm) bên trong có hộp sọ và các khúc xương nghi là xương người. Các quan tài gỗ được xếp thành 2 hàng theo kiểu ruộng bậc thang, một số quan tài đã bị vỡ (trong khoang này không có bàn thờ, không có bát hương, chữ viết trên vách hang).

Nhóm người đang lặng lẽ men theo một lối nhỏ để tiếp tục tìm kiếm vàng bạc thì họ khựng lại, không dám đi tiếp, đồng thời nhanh chóng rời khỏi hiện trường vì trong khoảng tối có bóng dáng một con vật khổng lồ, hình hài giống con trăn chắn ngang đường.

"Sau khi sự việc xảy ra, có thông tin cho rằng, người Trung Quốc đến địa phương tiếp tục đến thăm dò khoáng sản quý được cất giấu trong hang Phja Mòn. Qua điều tra, đó là tin đồn thất thiệt, trong đó không hề có của cải, vàng bạc gì", Đại tá Bằng khẳng định.

Phát hiện hàng chục quan tài cổ trên núi Lạng Sơn - 2

Quan tài được thiên táng ở trong núi (ảnh do Bảo tàng Lạng Sơn cung cấp).

"Thiên táng"

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, cho biết, nhận được thông tin, cơ quan chuyên môn đã vào cuộc thẩm tra. Theo ảnh, tư liệu do cơ quan chức năng và người dân cung cấp, các quan tài hiện nay không còn nguyên vẹn, đa số đã bị cậy nắp (có thể do một số người dân trước đây đã vào để tìm lấy cổ vật).

Quan tài được làm bằng một thân cây gỗ lớn bổ đôi thành 2 phần bằng nhau, ở giữa được khoét hình lòng máng để đặt thi hài, rồi úp khít lên nhau) có lỗ cài then ở hai đầu được khóa bằng những chiếc nêm. Quan tài dài khoảng 1m, đường kính 0,4m (nhiều cái đã bị vỡ, mục).

Trên quan tài không có chạm khắc hoa văn. Quan tài được xếp thành hai hàng hướng lên trên theo kiểu ruộng bậc thang nằm sát vách hang, bên trong có xương người.

"Đây là hình thức mộ táng cổ khá độc đáo nằm trong hang động. Người chết không đem chôn mà táng tại hang, quan tài làm bằng thân cây, được chế tác khá tinh xảo, có hình dáng giống chiếc thuyền độc mộc loại nhỏ, biểu hiện qua kỹ thuật khoét lòng và chốt gài quan tài khá giống với quan tài đã phát hiện tại hang Kéo Lầm ở thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn vào năm 2016. Dựa vào hình mẫu hiện vật, có thể, cổ vật này đã có cách đây chừng 300-400 năm", ông Kiên nói.

 "Hình thức mộ táng cổ khá độc đáo nằm trong hang động, ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát hiện ở ba tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lạng Sơn".

Ông Nông Ðức Kiên, Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn

Theo ông Kiên, việc phát hiện mộ táng tại hang Phja Mòn là những tư liệu lịch sử quan trọng, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cho các nhà khảo cổ, dân tộc học, về nhiều lĩnh vực lịch sử, nhân chủng, tín ngưỡng. Thông qua đó, chúng ta có thể vén bức màn thần bí của hang mộ cổ, phác họa được hoàn cảnh kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc xứ Lạng thời cổ xưa.

Ông Kiên cho biết, ngày 23/4/2021, đoàn khảo sát bao gồm lãnh đạo ngành văn hóa, Bảo tàng và UBND huyện Văn Lãng đến hiện trường.

Tuy nhiên, do đường vào hang Phja Mòn rất khó khăn, phải sử dụng thang dây leo từ đỉnh núi xuống rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, thêm nữa dịp này dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nên công việc phải dừng lại.

"Chúng tôi đang tính đến việc thuê nhóm thám hiểm có máy móc chuyên dụng vào hang lấy cổ vật về nghiên cứu. Nhưng trước mắt để quản lý bảo vệ hiện vật được nguyên trạng, đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có biện pháp bảo vệ nguyên vẹn cổ vật", ông Kiên nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm