Phát hiện hài cốt “ma cà rồng” 1.500 tuổi tại Italia
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học đến từ Đại học Arizona vừa phát hiện ra một bộ hài cốt trẻ nhỏ tại Italia có niên đại từ thế kỷ thứ 5 TCN bị chôn vùi với một viên đá chặn trong miệng.
Hình ảnh này được cho là một hình thức ngăn chặn “ma cà rồng” không thể tái sinh làm hại những người còn sống từ thời La Mã. Hài cốt đứa trẻ với hòn đá chặn miệng này được các nhà nghiên cứu cho rằng có liên quan đến hình thức ngăn chặn ma cà rồng “tái xuất”.
Bộ xương được khai quật tại một địa điểm khá đặc biệt được biết đến dưới cái tên Nghĩa trang của trẻ sơ sinh. Đây là một khu chôn cất người dân ở Umbria, miền trung Italia. Đây cũng là nơi được cho là nơi dành riêng cho các nạn nhân trẻ tuổi bị mắc căn bệnh sốt rét xảy ra trong khu vực khoảng những năm 450 TCN.
Bằng chứng là trong các cuộc khai quật tại khu vực này, các nhà khoa học đã phát hiện hài cốt của hơn 50 trẻ sơ sinh, được cho là những đứa trẻ đã chập chững biết đi hay thai nhi.
Đặc biệt, nhiều bộ hài cốt được phát hiện được chôn theo cùng nhiều đồ tùy táng của người La Mã hay dùng như móng vuốt, xương cóc, vạc đồng đầy tro và thậm chí tuẫn táng cả chó con theo chủ nhân.
"Người La Mã sử dụng nhiều cách để trấn yểm và những hình thức làm phép như phù thuỷ, ma thuật để ngăn chặn cái ác có thể hồi sinh sau khi chết", David Soren, giáo sư Nhân chủng học, người đã mất nhiều năm nghiên cứu tại khu nghĩa trang này cho biết.
Tuy nhiên, trong tất cả các bộ hài cốt cổ đại tìm được, các nhà khoa học đã giật mình khi tìm thấy một bộ hài cốt có một hòn đá cố tình nhét vào miệng. Hình ảnh này khiến các nhà khoa học nghĩ tới nghi thức ngăn chặn ma cà rồng tái sinh từng rất phổ biến vào khoảng thế kỷ 17 – 18 ở khu vực Châu Âu, thời kỳ mà những truyền thuyết về ma cà rồng khá phổ biến.
"Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như vậy. Nó rất kì lạ. Người dân địa phương đang gọi bộ hài cốt này là mà cà rồng của Lugnano”, giáo sư David Soren cho biết thêm.
Bộ hài cốt được cho là của một đứa trẻ khoảng 10 tuổi, nằm nghiêng và được chôn sâu. Những phân tích DNA cụ thể vẫn chưa được thực hiện nên giới tính và nguyên nhân chính xác vì sao đứa trẻ bị chết vẫn là một dấu hỏi.
Tuy nhiên, từ những căn cứ nhận định ban đầu qua răng, hộp sọ, các nhà khoa học đặt giả thuyết cho rằng đứa trẻ là một nạn nhân của dịch sốt rét vào khoảng 1.500 năm trước nhưng vì sao lại bị chặn đá vào miệng thì chưa ai có thể giải thích được.
Trước đó, nói về truyền thuyết và hình ảnh của ma cà rồng chính thức xuất hiện khi nào thì chưa có căn cứ cụ thể. Tuy nhiên, theo những tài liệu lâu đời, nhiều chuyên gia cho rằng truyền thuyết về nó đã có cách đây ít nhất 4.000 năm ở người Assyrie và người Babylone cổ, vùng Lưỡng Hà.
Cho đến thời kỳ hiện đại, khái niệm quỷ hút máu - hay ma cà rồng đã xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa, đặc biệt là với văn hóa châu Âu. Trong thế kỷ 17 - 18, người dân phía Bắc Ba Lan nổi tiếng với một tập tục chôn cất khá kỳ lạ, giống như họ muốn ngăn người chết sống lại nếu nghi đó là ma cà rồng. Thông thường sẽ dùng một hòn gạch chèn kín miệng, đặt đá lên ngực, chân bị đóng cọc nhằm không cho xác chết có cơ hội “tái sinh” để làm hại người.
Minh Long (Theo Iflscience)