Phát hiện điều bất thường từ tiểu hành tinh sau va chạm với tàu vũ trụ

Minh Khôi

(Dân trí) - Sự việc nằm ngoài dự tính của các nhà quan sát tới từ NASA, dẫu trước đó, họ đã lường trước một phần sự việc.

Phát hiện điều bất thường từ tiểu hành tinh sau va chạm với tàu vũ trụ - 1

Kính viễn vọng không gian Hubble đã phát hiện điều bất thường từ tiểu hành tinh Dimorphos sau va chạm nó với tàu vũ trụ (Ảnh: NASA).

Tiểu hành tinh Dimorphos từ sau va chạm với tàu vũ trụ của sứ mệnh DART, đã luôn được các nhà quan sát theo dõi chặt chẽ, vì mọi biến động của nó đều liên hệ trực tiếp tới mức độ ảnh hưởng do sứ mệnh tạo ra.

Vào đầu tháng 10, Kính viễn vọng SOAR đã quan sát thấy Dimorphos kéo theo phía sau một dải ánh sáng có thể lên tới hàng nghìn km. Các nhà khoa học cho rằng đây thực chất là bụi và các mảnh vỡ bị thổi bay khỏi bề mặt của Dimorphos sau va chạm.

Tuy nhiên mới đây, Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA tiếp tục phát hiện thêm một điều bất thường nữa: Đó là "cái đuôi" thứ 2 xuất hiện phía sau Dimorphos khi tiểu hành tinh này di chuyển.

Sự việc là điều nằm ngoài dự tính của các nhà quan sát tới từ NASA, dẫu trước đó, họ đã lường trước một phần sự việc.

Trong thông báo mới nhất, NASA cho rằng "cái đuôi" thứ 2 có thể được hình thành trong khoảng thời gian từ ngày 2/10 đến ngày 8/10, nhưng không chắc nguyên nhân nào đã sinh ra chúng.

Nhóm nghiên cứu thuộc sứ mệnh DART hiện đang cân nhắc một số giả thuyết và tình huống có thể đã xảy ra, dẫn tới hiện tượng kỳ nêu lạ trên.

Phát hiện điều bất thường từ tiểu hành tinh sau va chạm với tàu vũ trụ - 2

Hình ảnh đầu tiên được quan sát từ kính viễn vọng SOAR cho thấy tiểu hành tinh Dimorphos kéo theo một "cái đuôi" như một ngôi sao chổi (Ảnh: NOIRLab).

Phát hiện điều bất thường từ tiểu hành tinh sau va chạm với tàu vũ trụ - 3

Hình ảnh Dimorphos xuất hiện "cái đuôi" thứ 2 khiến các nhà quan sát của NASA bất ngờ (Ảnh: NASA)

Ngày 26/9, sứ mệnh DART do NASA triển khai đã chứng kiến một tàu vũ trụ không người lái va chạm với tiểu hành tinh mặt trăng Dimorphos với mục đích làm thay đổi quỹ đạo bay của nó xung quanh một tiểu hành tinh khác có tên Didymos.

Toàn bộ diễn biến nằm cách Trái Đất khoảng 11 triệu km, và không để lại bất kỳ nguy hiểm nào tới hành tinh của chúng ta.

2 tuần sau khi vụ va chạm được thực hiện, NASA tuyên bố sứ mệnh DART thành công, khi rút ngắn quỹ đạo bay kéo dài 11 giờ 55 phút của Dimorphos xuống khoảng 32 phút.

Tuy nhiên, ý nghĩa của sứ mệnh còn lớn hơn thế, khi là lời khẳng định rằng nhân loại có thể ngăn chặn những vụ va chạm không mong muốn từ một tiểu hành tinh bằng cách sử dụng kỹ thuật tương tự.

Theo www.iflscience.com