Phát hiện dấu vết sinh vật biển là tổ tiên lâu đời nhất của loài người?
(Dân trí) - Dấu vết được phát hiện ở khu vực đáy biển miền nam Australia với sự trợ giúp của công nghệ quét laser 3D. Các nhà nghiên cứu cho biết đã rất may mắn khi phát hiện ra những bằng chứng cổ xưa như vậy.
Các nhà khoa học từ Đại học California, Riverside (UCR) là những người đã phát hiện ra bằng chứng sự tồn tại một số sinh vật mà họ cho rằng có thể là tổ tiên lâu đời nhất của con người tính đến hiện tại.
Ước tính sinh vật đa bào mà họ gọi là Ikaria wariootia đào hang dưới đáy biển khoảng 555 triệu năm trước, vào thời điểm mà sự sống trên hành tinh của chúng ta trở nên đa tế bào và phức tạp hơn.
Sinh vật có kích thước bằng hạt gạo, có hai mặt đối xứng. Nó bò dưới đáy biển để tìm kiếm chất hữu cơ có thể ăn được.
"Những sinh vật này không có đầu hoặc bộ xương", Mary Droser, một giáo sư địa chất tại UCR cho biết.
Vậy điều gì đã khiến các nhà khoa học tin rằng Ikaria wariootia là tổ tiên lâu đời nhất của chúng ta?
Các nhà nghiên cứu cho biết sự phát triển của đối xứng hai bên là chìa khóa cho sự tiến hóa của đời sống động vật. Nó mang lại cho các sinh vật khả năng di chuyển có mục đích. Giun, côn trùng, khủng long và con người đều có liên quan đến vấn đề này.
Đáng chú ý là các sinh vật này cũng được cho là có thể chữa lành các bộ phận cơ thể bị tổn thương tương tự như cách hệ thống miễn dịch của chúng ta loại bỏ các tế bào bị nhiễm virus.