Phát hiện công cụ lao động đầu tiên của loài người

(Dân trí) - Được công bố mới đây trong tạp chí Khoa học khảo cổ, những phát hiện của nhóm khoa học do nhà nhân chủng học cổ đại April Nowell thuộc đại học Victoria dẫn đầu đã hé lộ những công cụ tinh xảo đến bất ngờ của người tối cổ từ 250.000 năm trước tại một ốc đảo gần Azraq, Jordan.

Nhóm nghiên cứu đến từ đại học Victoria và các đại học đối tác ở Mĩ và Jordan đã phát hiện thấy dấu vết protein của các loài vật như ngựa, tê giác, thú hoang và vịt trên các công cụ bằng đá. Phát hiện này đã đưa đến những kết luận bất ngờ về cách mà người tối cổ (người còn dấu tích của loài vượn cổ) đã tồn tại trong một môi trường rất khắc nghiệt, từ hàng ngàn năm trước khi người tiền sử Homo sapien tiến hoá ở Châu Phi.


Một trong những công cụ bằng đá mà lưỡi của nó dương tính với dư lượng tê giác. Ảnh: Courtesy of April Nowell

Một trong những công cụ bằng đá mà lưỡi của nó dương tính với dư lượng tê giác. Ảnh: Courtesy of April Nowell

Nhóm nghiên cứu đã khai quật được 10.000 công cụ bằng đá trong suốt ba năm trên một sa mạc ở phía tây bắc Jordan, nơi đây đã từng là vùng đất ngập nước nhưng trở nên vô cùng khô hạn 250.000 năm về trước. Nhóm đã nghiên cứu kĩ càng 7.000 công cụ trong số này, bao gồm lưỡi nạo, bàn mài, mũi lao nhọn và rìu (thường được biết đến với tên gọi “lưỡi dao Thụy Sĩ” của giai đoạn trước thời kì Đồ Đá), với kết quả là 44 mẫu vật được lựa chọn để thử nghiệm. Trong những mẫu vật này, có 17 công cụ có chứa mẫu protein, ví dụ như máu hay các cơ quan khác của động vật.

“Trong nhiều thập kỉ qua các nhà nghiên cứu đã biết rằng hành vi săn mồi bằng công cụ của người tiền sử có từ 2.5 triệu năm trước, nhưng đến giờ, lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng xác thực về cách tổ tiên thời kì Đồ Đá của chúng ta khai thác các loài động vật để tồn tại. Những người tiền sử ở khu vực này rõ ràng là rất khôn ngoan và có thể tận dụng rất nhiều con mồi khác nhau, từ tê giác đến vịt, trong một môi trường hết sức khắc nghiệt.” - April Nowell cho biết.

April Nowell cũng cho hay, những gì chúng ta mới biết được về cuộc đời cũng như những chiến thuật phức tạp để sống sót của họ, chẳng hạn như những kĩ thuật khác nhau để săn bắt thú, cũng như là tránh thú dữ và lưu trữ xác động vật làm thức ăn, khác hẳn những gì ta từng nghĩ. Nó mở ra những khả năng mới về cách mà những người tiền sử thuộc thời kì Pleistocene sống ở khu vực này và nó có thể là chìa khoá để hiểu hơn về bản chất của việc phối giống và phát tán giống loài trên lục địa Á Âu của loài người hiện đại và người tiền sử, chẳng hạn như người Neanderthal.

Một ứng dụng khác của nghiên cứu này là nó góp phần phát triển vốn hiểu biết của các nhà khoa học về chế độ ăn uống của người tối cổ.

“Những nhà khoa học khác đang nghiên cứu những công cụ lâu đời như thế này hoặc lâu đời hơn nữa, hoặc được khai quật từ những môi trường sống khác cũng có thể áp dụng thành công kĩ thuật này, đặc biệt nếu ở những khu vực đó không thấy dấu vết của các loài động vật” - April Nowell nói thêm.

Vân Trang (Theo ScienceDaily)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm