Phát hiện con muỗi lớn nhất thế giới ở Trung Quốc

(Dân trí) - Một chuyên gia côn trùng tuyên bố đã bắt được con muỗi lớn nhất thế giới với khoảng cánh dài đáng kinh ngạc 11,15cm - dài hơn khoảng 10 lần so với một con muỗi trung bình.

Phát hiện con muỗi lớn nhất thế giới ở Trung Quốc - 1
Phát hiện con muỗi lớn nhất thế giới ở Trung Quốc - 2

Con côn trùng khổng lồ này đã bị bắt trên núi Qingcheng ở tỉnh Tứ Xuyên phía Tây nam Trung Quốc. Nó được phát hiện bởi nhà côn trùng học Trung Quốc, Zhao Li trong một cuộc kiểm tra thực địa vào tháng 8 năm 2017.

Ông Zhao phát biểu trên MailOnline rằng con côn trùng thuộc về loài holorusia mikado, loài muỗi lớn nhất thế giới có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Khi lần đầu tiên bắt được con muỗi, ông chỉ nghĩ nó là loại muỗi khổng lồ. Và gần đây, ông đã xác nhận nó là con muỗi lớn nhất thế giới.

Khoảng cánh của holorusia mikado bình thường là khoảng 8cm – gần bằng một phần ba so với con muỗi ông Zhao bắt được. Ông nói thêm rằng muỗi holorusia mikado được tìm thấy ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc nói chung lớn hơn những con được tìm thấy ở Nhật Bản.

Mặc dù ở Phương Tây, loài côn trùng này còn được gọi là “ruồi hạc”, và được cho là khác với muỗi. Ông Zhao nhấn mạnh rằng côn trùng ông tìm thấy là một con muỗi.

Là một kỹ sư sinh học và kỹ sư bảo vệ động vật hoang dã cao cấp, ông Zhao cho biết “ruồi hạc” là tên được đặt cho toàn bộ họ côn trùng của Tipulidae, trong tiếng Trung Quốc dịch thành 'muỗi lớn'. Từ quan điểm sinh học, một con muỗi là bất kỳ loài côn trùng thuộc nhóm côn trùng Nematocera. Có bảy nhóm muỗi, bao gồm Tipuloidea (bao gồm ruồi hạc) và Chironomidae.

Các chuyên gia cũng cho rằng một khoảng cách văn hóa có thể đã gây ra một sự nhầm lẫn. Có một định nghĩa rộng và một định nghĩa hẹp về họ muỗi. Theo định nghĩa hẹp, chỉ có một con muỗi cắn là muỗi.

“Các quốc gia khác nhau có những cách khác nhau để gọi và xác định côn trùng, nhưng từ quan điểm sinh học, hiliusia mikados được phân loại là muỗi”.

Ông Zhao cho biết tuổi thọ của muỗi holorusia mikado là khoảng một tuần.

Con muỗi phá kỷ lục này đã được biến thành một mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Côn trùng Tây Trung Quốc, trong đó ông Zhao là người phụ trách.

Con muỗi khổng lồ này không thực sự cắn người. Chia sẻ trên mirror, ông Zhao cho hay: “Có hàng chục ngàn loài muỗi trên thế giới. Chỉ có 100 loài hút máu và có thể là vấn đề đối với con người. Loài muỗi này chủ yếu ăn mật hoa. Chúng được tìm thấy nhiều ở vùng đồng bằng và ở các khu vực miền núi dưới 2.200 mét”.

Mẫu vật của con muỗi này dự định được trưng bày tới công chúng trong một cuộc triển lãm về côn trùng lạ ở Bảo tàng côn trùng Tây Trung Quốc vào tháng Năm.

Đào Hiền (Tổng hợp)