1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện chiếc giường đá Chúa Jesus đã nằm khi được chôn cất

Những người làm công tác bảo tồn tại Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem khẳng định họ vừa phát hiện ra chiếc giường bằng đá vôi mà Chúa Jesus đã được đặt nằm trên đó để an táng.


Nhóm chuyên gia làm việc tại Nhà thờ Mộ Thánh. (Nguồn: AP)

Nhóm chuyên gia làm việc tại Nhà thờ Mộ Thánh. (Nguồn: AP)

Tạp chí National Geographic đã có bài viết thông báo về phát hiện chấn động này. National Geographic cũng đã hợp tác với một nhóm chuyên gia làm việc tại nhà thờ được coi là nơi linh thiêng nhất với những người Thiên Chúa giáo, vì đó là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự rồi được chôn cất.

Công tác trùng tu tại nhà thờ đã được tiến hành từ mùa Xuân. Tuy nhiên, tuần trước, các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens đã dẫn đầu một nhóm hàng chục công nhân được phép tiến hành công tác khai quật dài 60 tiếng tại nơi được cho là hầm mộ chôn cất chúa Jesus.

Họ đã di dời phiến đá hoa cương nằm trên cửa hầm mộ suốt hàng thế kỷ qua và làm việc không biết mệt mỏi để tìm ra có gì ở phía dưới.

"Khi phiến đá hoa cương được di dời vào đêm ngày 26 tháng 10, khảo sát ban đầu chỉ cho thấy một lớp vật chất phủ phía dưới. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học tiếp tục công việc của họ trong vòng 60 tiếng tiếp theo, một phiến đá hoa cương khác có khắc hình thập tự giá bên trên đã được phát hiện. Tới tối 28/10 vừa qua, chỉ vài giờ trước khi hầm mộ bị niêm phong lại lần nữa, chiếc giường đá vôi đã được tìm thấy còn nguyên vẹn," National Geographic cho biết.

Martin Biddle, một chuyên gia về lịch sử của hầm mộ này, cho biết các học giả sẽ cần nghiên cứu thật cẩn thận các dữ liệu được thu thập khi phát hiện ra chiếc giường và những bức tường hang động nhằm thiết lập mối liên hệ chính thức tới chúa Jesus.

"Bề mặt của phiến đá cần được nghiên cứu một cách cẩn trọng nhất để tìm ra dấu vết của những hình vẽ trang trí," Biddle chia sẻ với National Geographic. "Tại sao giám mục Eusebius, sử gia thế kỷ thứ 4, lại xác định hầm mộ này là hầm mộ của Chúa? Ông ấy không nói lý do và chúng ta cũng không biết. Bản thân tôi nghĩ Eusebius không sai - ông ấy là một học giả thông thái - vì thế có lẽ bằng chứng sẽ xuất hiện nếu như có người tìm kiếm chúng.”

Nhóm khảo cổ học tới từ Hy Lạp cho biết họ đã thu được khá nhiều tài liệu tại hiện trường khai quật và chắc chắn sẽ tiến hành kiểm tra kỹ càng những thứ họ thu thập được. Họ đã tới khu vực tôn nghiêm này vào tuần trước như một phần trong dự án trùng tu và bảo tồn các kiến trúc cỡ nhỏ có từ thế kỷ 18, trong đó có hầm mộ cổ này.

Từ lâu, các nhà sử học đã tin rằng những tàn tích ban đầu của hầm mộ đã bị phá hủy sau hàng trăm năm. Nhà thờ ban đầu nằm trên địa điểm chôn cất chúa Jesus đã bị phá hủy vào năm 1009, gần một thế kỷ trước khi cuộc Thập tự chinh thứ nhất được tiến hành năm 1099.

Nhà nước Hồi giáo Fatimid ở Ai Cập khi đó đã lệnh cho chính quyền tại Ramle phá hủy nhà thờ, và một câu chuyện Thiên Chúa giáo có xuất xứ từ Antioch có viết rằng người Arab “đã tìm cách xóa bỏ Nhà thờ Mộ Thánh, khiến mọi dấu vết còn lại biến mất hoặc bị phá hủy.”

Tuy nhiên, điều mà các nhà khảo cổ học thấy ngạc nhiên là những tàn tích còn lại trong hầm vẫn không bị ảnh hưởng gì.


 Phiến đá mà nhóm chuyên gia tìm thấy. (Nguồn: Times of Israel)

Phiến đá mà nhóm chuyên gia tìm thấy. (Nguồn: Times of Israel)

Hãng tin AP cho biết sau khi di dời phiến đá hoa cương trên cùng vào hôm thứ 6, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một phiến đá thứ hai, màu xám và có hình một cây thập giá được khắc bên trên, được cho là có từ thế kỷ 12. Sau khi di dời phiến đá hoa cương màu xám này, họ đã tìm thấy một phần của vách tường hang động.

"Đây là tảng đá thiêng đã được tôn thờ hàng thế kỷ nhưng tới nay mới được tận mắt nhìn thấy," Antonia Moropoulou, trưởng khoa bảo tồn và trùng tu dự án chia sẻ.

“Tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Hai đầu gối tôi đang hơi run lên bởi tôi không kỳ vọng điều này sẽ xảy ra," Fredric Hiebert, nhà khảo cổ học thường trực của National Geographic chia sẻ.

"Chưa thể nói chắc chắn 100% nhưng có vẻ như đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy vị trí của lăng mộ chưa hề thay đổi - điều đã khiến các nhà khoa học và sử học đã băn khoăn suốt nhiều thập kỷ qua."


 Lối vào Nhà thờ Mộ Thánh. (Nguồn: Times of Israel)

Lối vào Nhà thờ Mộ Thánh. (Nguồn: Times of Israel)

National Geographic cũng lưu ý rằng mặc dù không thể chắc chắn rằng hầm mộ này là nơi chôn cất chúa Jesus nhưng việc khám phá ra ít nhất 6 hầm mộ đá khác quanh nhà thờ cho thấy nơi đây là một nghĩa trang Do Thái trong nửa cuối giai đoạn Đền thờ thứ hai - khoảng thời gian mà Jesus từng sống.

Dan Bahat, nguyên là nhà khảo cổ của thành phố Jerusalem cho biết: “Chúng tôi chưa hoàn toàn chắc chắn Nhà thờ Mộ Thánh là nơi chôn cất Chúa Jesus, nhưng chúng tôi chắc chắn không có nơi nào khác có thể đưa ra một bằng chứng có sức nặng như thế và chúng tôi thực sự không có lý do gì để nghi ngờ tính chân thực của nơi này."

Nhóm trùng tu đã lắp một cửa sổ để quan sát một phần khu vực mà các nhà khoa học đã khai quật nhằm giúp du khách thấy được hang động đá vôi này./.

Theo Vietnam+