1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phát hiện bộ xương voi cổ đại 300.000 năm tuổi ở Đức

(Dân trí) - Một bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con voi có ngà thẳng, một loài voi từng sống ở khắp châu Âu và châu Á vào thế Pleistocen và thế Holocen, nay đã tuyệt chủng vừa được khai quật ở Đức.

Phát hiện bộ xương voi cổ đại 300.000 năm tuổi ở Đức - 1

Một nhóm các nhà khảo cổ học từ Trung tâm Tiến hóa Con người và Cổ môi trường Senckenberg của Đại học Tubingen, Văn phòng di sản bang Lower Saxony, và Đại học Leiden đã khai quật bộ xương 300.000 năm tuổi của một con voi ngà thẳng thuộc giống cái được tìm thấy tại khu vực nổi tiếng về thế Pleistcene tại Schoningen, Lower Saxony, Đức.

Địa điểm này nổi tiếng nhất bởi phát hiện ra những ngọn giáo bằng gỗ, hài cốt bị tàn sát của ngựa và các động vật có vú lớn khác, và hài cốt của hổ răng kiếm (Homotherium latidens).

Tiến sĩ Jordi Serangeli, một nhà khảo cổ học tại Trung tâm Tiến hóa Con người và Cổ môi trường Senckenberg của Đại học Tubingen chia sẻ: nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một cặp ngà dài 2,3 mét, hàm dưới hoàn chỉnh, nhiều đốt sống và xương sườn, cũng như những khúc xương lớn của ba chân, và thậm chí có cả năm chiếc xương móng mảnh khảnh.

“Đây là một con voi cái lớn tuổi với hàm răng đã bị mòn” – Ivo Verheijen, một nhà khảo cổ học tại Đại học Leiden cho biết thêm.

“Con voi này có chiều cao đến vai khoảng 3,2 mét, và nặng khoảng 6,8 tấn – do đó nó lớn hơn những con voi châu Phi cái ngày nay”.

Có lẽ con vật đó đã chết do tuổi già chứ không phải bị con người săn bắt. Voi thường ở gần hoặc nằm trong nước khi chúng bị bệnh hoặc già yếu.

Một số vết cắn trên những khúc xương đã được phục hồi cho thấy đã có những động vật ăn thịt đến thăm xác con voi. Tuy nhiên, tông người homini ở thời đó cũng có thể thu được các lợi ích từ con voi này.

Phát hiện bộ xương voi cổ đại 300.000 năm tuổi ở Đức - 2
Minh họa khi con người phát hiện ra xác của con voi ngà thẳng ở bờ hồ Schoningen

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy 30 mảnh đá nhỏ và hai khúc xương dài được sử dụng làm công cụ để đập. Họ cũng tìm thấy những mảnh đá siêu nhỏ găm vào những khúc xương này, điều đó chứng tỏ rằng hoạt động mài sắc lại những công cụ bằng đá này được thực hiện ở gần xác của con voi.

Tiến sĩ Serangli cho biết “các thợ săn ở thời kỳ đồ đá có lẽ đã cắt thịt, gân và mỡ từ xác con vật”. Con voi đã chết có thể là một nguồn thức ăn đa dạng và tương đối phổ biến đối với những người Homo heidelbergensis.

Mặc dù người hominin ở thời kỳ đồ đá cũ đã là những thợ săn lành nghề, nhưng không có một lý do thuyết phục nào để họ tự đặt mình vào nguy hiểm khi săn bắt những con voi trưởng thành. Voi ngà thẳng là một phần trong môi trường của họ, và người hominin đã biết rằng chúng thường xuyên chết bên bờ hồ.

Với phát hiện mới ở Schoningen này, nhóm nghiên cứu không tìm cách phủ định việc những cuộc săn voi cực kỳ nguy hiểm đã diễn ra, nhưng bằng chứng này vẫn khiến họ nghi ngờ về điều đó.

Ngọc Anh 

Theo Sci-news