Phát hiện bộ xương bốn triệu năm tuổi hoàn thiện nhất của tổ tiên loài người
(Dân trí) - Bộ xương thời tiền sử này thuộc về một cô gái thuộc loài tiền thân của con người, khoảng 20 tuổi và có niên đại hơn 3,6 triệu năm trước.
Bộ xương của loài tiền thân của con người này là di vật khảo cổ lâu đời nhất từng được phát hiện và hiện đang được trưng bày lần đầu tiên.
Được đặt tên là Bàn chân Nhỏ, bộ xương này có niên đại 3,67 triệu năm và gần như là bộ xương hoàn thiện nhất thuộc nhóm này từng được phát hiện.
Các chuyên gia tin rằng bộ xương này thuộc về một cô gái trẻ bị tử vong do rơi xuống một hang động sâu 20 mét.
Các nhà khoa học đã dành 20 năm ở Nam Phi để khai quật và thu thập các mẫu vật của chi Australopithecus - theo tiếng Latin có nghĩa là “loài vượn người phía Nam”.
Động vật có vú này là tổ tiên gần gũi nhất của người hiện đại và có các đặc điểm của cả loài vượn và con người.
Ban đầu, các nhà khoa học tin rằng loài vượn người phía Nam đi bằng cả bốn chi, cho đến khi họ tìm thấy Bàn chân Nhỏ thì quan điểm này mới thay đổi do nó giống với con người nhiều hơn.
Bộ xương này hiện được trưng bày ở Nam Phi – nơi nó được tìm thấy.
Bàn chân Nhỏ thuộc về một phụ nữ 20 tuổi bị tử vong do rơi xuống hang.
Theo nhà nghiên cứu Ron Clarke – người đã phát hiện ra bộ xương này, “Bàn chân Nhỏ cho thấy những hình ảnh vẽ minh họa tổ tiên của chúng ta lúc đầu đứng và đi bằng cả bốn chi rồi dần dần mới đứng thẳng lên mà bạn vẫn thấy trong các cuốn sách là hoàn toàn vô nghĩa”.
Ông đã tình cờ thu được phát hiện đột phá này giữa các hóa thạch trong động Sterkfontein – nằm cách Johannesburg 48 ki-lô-mét về phía tây bắc.
Anh Thư (Theo The Sun)