1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện bất ngờ về tượng gỗ lâu đời nhất thế giới

Trang Phạm

(Dân trí) - Bức tượng bằng gỗ với một số khuôn mặt giống như mặt nạ được tạc cách đây hàng nghìn năm...

Và chúng được bảo quản hàng thiên niên kỷ trong môi trường axit, kháng khuẩn của đầm lầy than bùn Shigir ở dãy núi Ural ở Nga.

Phát hiện bất ngờ về tượng gỗ lâu đời nhất thế giới - 1

Tượng lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1890 và được mô tả là một tác phẩm chạm khắc giống như vật tổ từ thời xa xưa. Ý nghĩa thực sự của nó là một bí mật chưa được khám phá.

Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ được tiết lộ vào những năm 1990 cho thấy bức tượng có niên đại lâu đời hơn nhiều so với những gì chúng ta đã đoán, ước tính nó có tuổi đời vào khoảng 9.750 năm tuổi.

Các nhà khoa học thực sự choáng váng khi nhận được kết quả, không chỉ vì sự bảo tồn ngoạn mục của hiện vật mà nhiều chuyên gia còn ngạc nhiên trước phong cách nghệ thuật quá cầu kỳ của người dân thời kỳ đó.

Vào năm 2018, tiếp tục là một phát hiện mới. Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ ban đầu được thực hiện từ một mẫu bên ngoài của cột gỗ, mẫu này đã chịu các tác động của môi trường bảo quản, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành một cuộc phân tích mới, sử dụng một mẫu chiết xuất từ lõi nguyên sơ hơn của hiện vật, và phát hiện ra rằng nó gần… 11.600 năm tuổi.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa dừng ở đó khi các nhà khoa học tiếp tục xác định gỗ được sử dụng trong tác phẩm điêu khắc có vẻ như khoảng 12.250 năm tuổi. Vì thần tượng Shigir được làm từ thân của một cây thông với 159 vòng sinh trưởng, điều này cho thấy rằng bản thân bức tượng đã được tạc cách đây khoảng 12.100 năm, sớm hơn khoảng 500 năm so với phân tích năm 2018.

"Thần tượng được tạc trong thời đại biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Cảnh quan đã thay đổi, nghệ thuật như những thiết kế tượng hình và động vật tự nhiên vẽ trong hang động và chạm khắc trên đá cũng đã thay đổi, có lẽ như một cách để giúp mọi người hiểu rõ hơn về môi trường đầy thử thách mà họ gặp phải", các nhà khoa học giải thích.

Phát hiện bất ngờ về tượng gỗ lâu đời nhất thế giới - 2
Mặc dù chúng ta không thể biết chính xác thần tượng Shigir được sử dụng để làm gì, nhưng sự tồn tại của nó gợi lên sự đánh giá cao đối với nghệ thuật và sự khéo léo. Những người tạo ra nó dường như đã đánh giá cao tính biểu tượng mà có thời các chuyên gia cho rằng nó xuất hiện muộn hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng việc thiếu vắng các đồ vật thể hiện trình độ văn hóa và tâm linh này trên hồ sơ khảo cổ học không thể được coi là bằng chứng của sự thiếu văn hóa. Những người xây dựng Shigir Idol rõ ràng có kỹ năng tạo hình và chạm khắc gỗ.

Trên thực tế, các hình chạm khắc hình học trên bức tượng phù hợp với các mẫu tương tự được thấy trên khắp châu Âu trong cùng khoảng thời gian.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng bức tượng gợi ý những người săn bắn hái lượm cư trú ở Ural trong thời kỳ đồ đá mới có đời sống tinh thần phong phú và phức tạp, rất ít người trong số họ sống sót sau sự tàn phá của thời gian.

"Chúng ta phải thừa nhận rằng những người săn bắn hái lượm đã có những nghi thức phức tạp và có khả năng thể hiện ý tưởng và nghệ thuật rất tinh vi", các nhà khoa học nói thêm.

Có rất nhiều đầm lầy than bùn nằm rải rác khắp Ural, một số trong số đó chứa các đồ tạo tác bằng gỗ từ hàng nghìn năm trước. Hầu hết chúng cho đến nay vẫn chưa được khám phá và các cuộc thám hiểm khai quật rất tốn kém, mất thời gian.