Ô nhiễm không khí có làm ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không?

(Dân trí) - Một nghiên cứu của Viện Quốc gia Sức khoẻ và  Nghiên cứu Y học Pháp (Inserm) mới đây cho thấy mức độ ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến thời gian của kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Nghiên cứu này thử nghiệm các mức độ ô nhiễm đối với cùng một nhóm phụ nữ và so sánh với mức hóc môn trong cơ thể họ.

Ô nhiễm không khí có làm ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không? - 1

184 phụ nữ đang không dung thuốc tránh thai, đã đồng ý tham gia vào nghiên cứu. Họ sẽ tiếp xúc với môi trường có mức độ ô nhiễm khác nhau trong vòng 30 ngày trước mỗi kỳ kinh. Sau đó, mẫu nước tiểu hàng ngày hoặc cách ngày của họ trong suốt chu trình kinh nguyệt được xét nghiệm, đồng thời mức hóc môn của họ vào ngày rụng trứng được ghi lại để xác định xem thời gian của một chu trình kinh nguyệt có bị thay đổi không. 

Kết quả của nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí “Ô nhiễm Môi trường” và cho thấy một chu trình kinh nguyệt có thể dài hơn nếu trong không khí nơi ở của người phụ nữ đó có nồng độ bụi mịn PM10 cao đến 1 mức nhất định. Cứ 10 microgram bụi tăng lên trong mỗi mét khối không khí thì một chu trình kinh nguyệt kéo dài thêm khoảng 0,7 ngày. 

Tiến sĩ Rémy Slama ở Inserm cho biết nghiên cứu này đã đặt ra một giả thuyết mới rằng ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến chu trình kinh nguyệt. Ông cũng khẳng định rằng các phát hiện của nghiên cứu này tương tự như kết quả thí nghiệm trên chuột. Ông nói “nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các cặp vợ chồng sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thể thụ thai nếu họ sống trong môi trường ô nhiễm”.

Trước đây đã có nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm môi trường liên quan đến các bệnh về phổi, tim, tuần hoàn máu, não và hệ sinh dục. Nhưng cho đến nay mới có rất ít nghiên cứu tìm hiểu tác động của ô nhiễm đối  với hoạt động rụng trứng và chu trình kinh nguyệt của phụ nữ.

Nghiên cứu này được tiến hành tại Viện Khoa học Sinh học tiến bộ của Trường đại học Grenoble Alpes, Pháp.

Phạm Hường 

Theo Euro News