Nông nghiệp kỷ nguyên số và thách thức của người nông dân

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Những "điểm nóng", cấp bách mà nhân loại đang đối mặt trong lĩnh vực nông nghiệp đã được nêu ra tại Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống".

Nông nghiệp kỷ nguyên số và thách thức của người nông dân - 1

Các nhà khoa học thảo luận về chủ đề nông nghiệp bền vững trong trạng thái bình thường mới (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ngày 19/12 tại Hà Nội, Tuần lễ Khoa học - Công nghệ VinFuture 2022 tiếp tục diễn ra với hoạt động Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống". Tại sự kiện, các nhà khoa học uy tín trên thế giới sẽ cùng nhau bàn luận về những "điểm nóng", cấp bách mà nhân loại đang đối mặt, cũng như về việc làm sao để thúc đẩy hoạt động khoa học, hướng tới lợi ích chung toàn cầu.

Khoa học - Công nghệ vừa là động lực, vừa là bệ phóng

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khẳng định các hoạt động thúc đẩy khoa học, công nghệ do Quỹ VinFuture khởi xướng và dẫn dắt đã tạo được tiếng vang và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học.

Đối với phiên thảo luận đầu tiên tại Tọa đàm ngày 19/12, là "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới", Thứ trưởng Duy cho rằng đây là chủ đề rất thiết thực, gắn liền với người nông dân và có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu tác động do biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp kỷ nguyên số và thách thức của người nông dân - 2

Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống" (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản.

Trong đó, yếu tố quan trọng làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cũng là sự thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn".

Đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực KHCN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy hoan nghênh những sáng kiến mang tính đột phá của Quỹ VinFuture, đánh giá đây là sự kiện quy mô nhằm kết nối cộng đồng khoa học thế giới và Việt Nam, thúc đẩy các trao đổi học thuật ở phạm quốc tế, đồng thời thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đồng thời là bệ phóng, giúp nhiều nông sản thương hiệu Việt đã hiện diện và chinh phục được các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, được người tiêu dùng quốc tế đón nhận.

Theo ước tính của Bộ KH&CN, sự đổi mới về công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Nông nghiệp kỷ nguyên số và thách thức của người nông dân

Nông nghiệp kỷ nguyên số và thách thức của người nông dân - 3

GS. Pamela Ronald chia sẻ những đặc điểm về giống lúa biến đổi gen sub1 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Trong phiên thảo luận "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới", các nhà khoa học góp mặt tại sự kiện đã cùng nhau nêu bật tầm quan trọng trong việc chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Một trong số đó là vấn đề khí thải nhà kính phát sinh trong quá trình làm nông nghiệp. GS. Pamela Ronald từ Đại học California, Davis cho biết một trong những thách thức to lớn hiện nay của nông nghiệp là chống ngập úng.

"Ở Nam Á và Đông Nam Á, theo dự đoán, ngập úng sẽ gây ảnh hưởng lớn người nông dân, gây thất thoát khoảng 4 triệu tấn lúa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực", GS. Ronald chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã tìm cách tạo ra giống lúa chịu ngập tốt, có tên là sub1. Đặc điểm của giống lúa này là có thể sống trong khoảng 2 tuần, trong khi các giống khác chỉ chịu 3 ngày ở điều kiện ngập úng.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khác, mà một trong số đó là dịch bệnh. Theo TS. Van Schepler-Luu đến từ IRRI, hàng năm các dịch bệnh vẫn đều đặn làm giảm 30% năng suất cây trồng trên toàn thế giới.

Theo TS. Luu, để giải quyết tình trạng này, trước hết cần đưa ra mô hình dự báo về dịch bệnh trên quy mô toàn cầu, từ đó xác định được xu hướng dịch bệnh và nhanh chóng xác định được giống lúa có thể kháng bệnh tật.

Sau đó, người nông dân sẽ cần tới sự hỗ trợ của một số công nghệ như biến đổi gen bằng tia phóng xạ, nhằm cấy ghép để chuyển gen có lợi đối với thực vật. Cùng với đó, mô hình này cần nhân rộng và triển khai nhanh, thực hiện như một chiến lược đồng bộ thì mới hiệu quả lâu dài.

Nông nghiệp kỷ nguyên số và thách thức của người nông dân - 4

TS. Van Schepler-Luu từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo một thống kê, nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 30% vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng phát thải từ chăn nuôi chiếm 50% phát thải trong tổng ngành.

Để giảm lượng phát thải này, GS. Claudia Wagner-Riddle từ Đại học Guelph, Canada cho biết hoàn toàn có thể sử dụng tiến bộ khoa học, cụ thể là mô hình đất thông minh để "bẫy CO2", cũng như giảm phát thải N2O.

Dựa trên mô hình này, Nito sẽ hấp thụ vào cây trồng thay vì phát thải vào không khí. Theo GS. Claudia, vai trò của đất thông minh là vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong nông nghiệp.

Về việc triển khai những mô hình nâng cao này, các giáo sư, tiến sĩ tại Tọa đàm đều cho rằng mỗi phương pháp đều có những khó khăn riêng, nhưng nhìn chung trở ngại lớn nhất là thay đổi tư duy của người nông dân.

Theo một số ý kiến, cơ quan quản lý có thể cân nhắc việc đưa ra ví dụ, hoặc mang mô hình mẫu tới để giới thiệu cho một vài hộ gia đình. Sau khi triển khai thành công và thu về thành quả, những người nông dân sẽ chia sẻ với nhau, dần dần hình thành chuyển giao mô hình nhỏ, và tiếp tục mở rộng hơn.