Nồng độ axit của đại dương tiết lộ thông tin sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trên Trái Đất

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale dẫn đầu đã xác nhận sự đúng đắn của giả thuyết lâu nay liên quan đến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối cùng trong lịch sử và ảnh hưởng của nó đến các đại dương trên Trái đất.

Phát hiện này cũng có thể trả lời các câu hỏi về cách các sinh vật biển phục hồi và tiến hoá cho đến ngày nay.

Nồng độ axit của đại dương tiết lộ thông tin sự kiện tuyệt chủng lớn nhất trên Trái Đất - 1
Các nhà khoa học từ Đại học Yale vừa tìm ra các bằng chứng trực tiếp đầu tiên liên quan đến sự kiện tuyệt chủng Cretaceous-Paleogene.

Các nhà nghiên cứu cho biết đây là bằng chứng trực tiếp đầu tiên cho thấy sự kiện tuyệt chủng Cretaceous-Paleogene 66 triệu năm trước trùng hợp với sự giảm mạnh độ pH của đại dương. Điều này cho thấy sự gia tăng độ axit của đại dương.

Sự kiện Cretaceous-Paleogen còn được gọi là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt xảy ra khi một thiên thạch đâm vào Trái đất vào cuối thời kỳ kỷ Phấn trắng. Tác động và hậu quả của nó đã giết chết khoảng 75% các loài động vật và thực vật trên hành tinh.

"Trong nhiều năm, nhiều người cho rằng sẽ có sự giảm độ pH của đại dương vì tác động của thiên thạch tấn công vào các tảng đá giàu lưu huỳnh và gây ra mưa axit sunfuric, nhưng cho đến nay không ai có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy điều này xảy ra", Michael Henehan, nhà khoa học hiện đang làm việc ở Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất ở Potsdam, Đức cho biết.

Không chỉ thế, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra bí mật liên quan đến foraminifera (trùng lỗ). Foraminifera là những sinh vật phù du nhỏ, đồng thời là một trong những nhóm loài phiêu sinh phổ biến nhất với hồ sơ hóa thạch hoàn chỉnh đến mức đáng kinh ngạc có từ hàng trăm triệu năm trước.

Phân tích thành phần hóa học của hóa thạch foraminifera từ trước, trong và sau sự kiện tuyệt chủng khủng khiếp nhất đã cung cấp vô số dữ liệu về những thay đổi trong môi trường biển theo thời gian. Cụ thể, các nhà khoa học Yale phát hiện ra những thay đổi về độ axit của đại dương.

Nghiên cứu trước đây mới chỉ ra rằng một số loài sinh vật biển phát triển vỏ và bộ xương từ canxi cacbonat đã bị xóa sổ một cách không tương xứng trong sự tuyệt chủng hàng loạt. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy độ axit đại dương cao hơn có thể đã ngăn cản các chất vôi hóa này tạo ra vỏ của chúng. Điều này rất quan trọng bởi vì vấn đề vôi hóa này chiếm một phần quan trọng của nấc thang đầu tiên trên chuỗi thức ăn đại dương, hỗ trợ phần còn lại của hệ sinh thái.

Khôi Nguyên

Theo Phys