1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nọc ong vò vẽ: Độc chết người, chứa chất tiêu diệt tế bào ung thư!

(Dân trí) - Các nhà khoa học phát hiện, trong nọc ong vò vẽ ở Brazil lại có chất MP1, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư…

Ong đốt là tai nạn có thể gặp quanh năm, ở mọi nơi con người sinh sống, nhất vùng nông thôn và đồi núi nhiều cây cối.

Với ong mật, ong ruồi vết đốt chỉ gây sưng đau, khó chịu và sẽ khỏi sau vài ngày. Riêng ong vò vẽ, vì nọc ong có nhiều độc chất, ngoài sưng đau dị ứng còn có thể gây huyết tán, rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận…thậm chí có thể tử vong.

Nhưng các nhà khoa học phát hiện, trong nọc ong vò vẽ ở Brazil lại có chất MP1, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư…

Nhận dạng con ong

* Ong là động vật không xương sống, ngành chân đốt. Có 2 họ ong chính là họ ong vò vẽ, Vespidae và họ ong mật Apidae: (1) Họ vespidae (ngòi trơn) gồm ong vò vẽ (wasp), ong vàng (yellow jacket), ong đất (hornets) với đặc điểm chung là ngòi đốt chích trơn tru không ngạnh, nên có thể đốt nhiều lần; (2) Họ apidae (ngòi xù) gồm ong mật (honey bee), ong nghệ (yellow bee), ong bầu… Ngòi đốt chích họ ong này có ngạnh, sau khi đốt ngòi có ngạnh dính chặt vào da con vật bị đốt, không rút ra được, con ong bị chết, nên mỗi con ong mật chỉ đốt được có lần.

Nọc ong vò vẽ: Độc chết người, chứa chất tiêu diệt tế bào ung thư! - 1
Nọc ong vò vẽ: Độc chết người, chứa chất tiêu diệt tế bào ung thư! - 2

* Ong vò vẽ, bắp cày, mặt quỷ, có thân bụng thon, có khoang đen vàng xen kẽ. Ong thường làm tổ lộ thiên, trên cành, trong bụi cây, trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, như một trái banh hay bắp cải, bề mặt tổ nhăn nhúm vằn vện nên có nơi người dân gọi là ong mặt quỷ. Ong vò vẽ ăn côn trùng, sâu, nhện. Nọc ong để làm tê liệt con mồi, ong vò vẽ chỉ đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá, bị đe dọa, hay bị thu hút vì người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.

Nọc ong vò vẽ có nhiều độc chất

Khác với ong mật, nọc ong vò vẽ có rất nhiều độc chất. Các nhà khoa học phân những độc chất này vào 3 nhóm: (a) Các protein có trọng lượng phân tử cao như phospholipases, hyaluronidases, kháng nguyên 5 v.v…(b) Các peptide trọng lượng phân tử thấp bao gồm mastoparans, các kinin và peptide hóa hướng động, và (c) Các phân tử có hoạt tính sinh học như histamine, MCDP (mast cell degranulating peptide), dopamin, serotonin, catecholamin, acetylcholine, tyramine vv...

Hyaluronidase, MCDP và histamine làm giãn mạch, tăng xuất tiết dịch, phù nề khiến vết ong đốt sưng to, đỏ ửng. Dopamin kích thích hệ tim mạch làm cho nhịp tim đập nhanh. Melittin, một pep-tit có 70 a-xit amin, là độc tố gây tan máu ly giải hồng huyết cầu. Melittin cũng làm biến đổi điện thế màng của các thụ thể cảm nhận đau, khiến người bị ong đốt buốt rát như bị bỏng lửa. Apamin có khả năng bất hoạt bơm can-xi ở màng tế bào, khiến synapse thần kinh-cơ bị tê liệt, quá nhiều apanin có thể gây liệt thần kinh cơ hô hấp gây suy thở và tử vong.

Đặc biệt, nọc ong vò vẽ Polybia paulista ở đông nam Brazil có chứa một độc tố MP1có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Giáo sư Joao Ruggiero Netto và cộng sự cho thấy, MP1 tương tác với các phân tử chất béo trên bề mặt tế bào ung thư, tạo ra các lỗ hổng khiến các phân tử chức năng của tế bào bị rò rỉ ra ngoài, tác dụng này không xảy ra ở các tế bào lành mạnh. Tiến sĩ Paul Beales, ĐH Leeds, cùng nghiên cứu, cho biết liệu pháp ung thư tấn công thành phần lipid của màng tế bào này sẽ là một thuốc hoàn toàn mới.

Hậu quả khi bị ong vò vẽ đốt

Sau khi vào cơ thể, các chất trong nọc ong gây ra phản ứng dị ứng như phù nề, nổi mề đay, nặng nhất là sốc phản vệ và có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng. Sau đó, những tổn thương nội tạng xuất hiện như rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, suy hô hấp…

* Phản ứng nhẹ: Đau rát, Dát sẩn đỏ, Sưng nề các vết ong chích. Thường các sưng đỏ và đau sẽ biến mất trong vòng vài giờ đồng hồ.

* Phản ứng vừa phải: Đau nhiều dữ dội, Dát sẩn đỏ sậm, Sưng nề to và dần dần mở rộng trong một hoặc hai ngày tiếp theo. Thường phản ứng trung bình kéo dài từ 5 đến 10 ngày.

* Dị ứng nặng hay sốc phản vệ

Đây là dạng sốc dị ứng, kiểu dị ứng thuốc, có khả năng đe dọa tính mạng cần phải điều trị cấp cứu.

Những dấu chứng của sốc phản vệ gồm: Da phát ban, ngứa, đỏ bừng hoặc tái nhợt, Khó thở do co thắt thanh khí quản, Sưng nề họng và lưỡi, Mạch nhanh yếu, Buồn nôn, ói mửa hay tiêu chảy, Lơ mơ, ngất xỉu hay hôn mê.

* Những biến chứng tiếp theo

Độc tố của nọc ong vò vẽ còn gây những biến chứng nguy hiểm khác như tán huyết, tiêu cơ gây tiểu máu, suy thận cấp, tổn thương gan, rối loạn tri giác, yếu liệt cơ…..

Xử trí khi bị ong vò vẽ đốt

* Đưa ngay nạn nhân đến bệnh viện gần nhất nếu thấy các dấu hiệu của sốc phản vệ như: Da phát ban đỏ bừng hoặc tái nhợt, Lơ mơ, ngất xỉu, Khó thở, Mạch nhanh nhẹ, Sưng nề miệng, lưỡi, họng, Buồn nôn, ói mửa hay tiêu chảy. Khi đưa nạn nhân đến viện cần: (a) Trấn an, giữ bình tĩnh, tránh kích động, (b) Cho nạn nhân nằm ngửa, hai chân kê cao, (c) Xoay cổ nghiêng tránh sặc khi bệnh nhân nôn ói, (d) Ngưng ăn uống, kể cả thuốc để tránh sặc.

* Với những trường hợp nhẹ, thường xử lý theo 5 bước sau:

1. Nhanh chóng thoát khỏi sự đeo bám của đàn ong để không bị đốt thêm.

2. Giảm đau bằng túi chườm lạnh hay nước đá. Quấn băng hoặc túi lạnh vào vết đốt, trong khoảng 20-30 phút.

3. Uống thuốc kháng histamin và thuốc giảm đau.

4. Đắp nước soda vào các vết ong đốt. Nọc độc của ong vò vẽ có tính axit, do đó nước soda là chất kiềm có thể trung hòa bớt nọc độc tự nhiên.

5. Dùng bông gạc thấm giấm ăn đắp vào vết đốt để giảm ngứa và chống nhiễm trùng.

Phòng ngừa ong vò vẽ đốt

Ong vò vẽ ăn côn trùng, sâu, nhện… Chúng làm tổ trên cành, trong bụi cây, dưới mái nhà. Ong vò vẽ chỉ đốt người và động vật khi tổ ong bị chọc phá, hay khi chúng bị thu hút bởi quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay chạy qua lại...

Do đó, cần tránh đụng chạm đến ổ ong vò vẽ khi dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc sân vườn, hay khi đi dã ngoại, thể thao ngoài trời. Đặc biệt, đừng cho trẻ con chọc phá các tổ ong vò vẽ. Một điều lưu ý, khi không kiếm được thức ăn ngoài trời, ong vò vẽ có thể tìm kiếm trong thùng rác gia đình hay các gói thức ăn của khách dã ngoại, và ong sẽ tấn công khi thấy lâm nguy.

Thay lời kết

Ong đốt là tai nạn có thể gặp quanh năm, tại mọi nơi con người sinh sống, nhất là ở nông thôn và vùng đồi núi, nhiều cây cối.

Hầu hết các trường hợp là do các loại ong mật, ong ruồi… với vết đốt chỉ gây sưng đau, khó chịu và sẽ khỏi sau vài ngày. Chỉ nọc ong vò vẽ mới có nhiều độc chất có thể gây nguy hiểm chết người.

Do nọc ong vò vẽ có lắm độc chất tác động lên nhiều cơ quan, nên khi phát hiện chúng đốt cần phải đưa đến viện sau sơ cứu để phòng các biến chứng chậm kèm theo.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu để biến MP1 trong nọc ong vò vẽ, chất có khả năng phá vỡ các phân tử lipid của màng tế bào ung thư, thành một loại thuốc mới trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam