Những thổ dân đầu tiên đặt chân đến nước Úc từ khi nào?
(Dân trí) - Các bằng chứng khoa học vừa được công bố vào ngày 7/8//2018 trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Úc kết luận rằng những thổ dân đầu tiên của Úc đã đến sinh sống tại lục địa này cách đây gần 50.000 năm.
Họ đã gắn bó rất lâu đời với miền đất này
Trước đây, các nhà khoa học đã phân tích di truyền từ mẫu tóc của thổ dân và khẳng định mối quan hệ vô cùng lâu đời và sâu sắc giữa từng nhóm thổ dân với đất nước của họ. Các mẫu tóc được thu thập từ các cuộc di cư của con người trên toàn nước Úc từ những năm 20 đến những năm 60 của thế kỉ XX.
Phân tích di truyền các giống người cho thấy thổ dân bắt đầu sinh sống ở nước Úc khoảng 50.000 trước. Họ nhanh chóng di cư cùng lúc ra khắp các vùng ven biển phía Tây và phía Đông và rồi tụ hợp ở vùng đất Nullarbor, tức là khoảng miền Tây của bang Adelaide ngày nay.
Kết quả phân tích di truyền nói trên cũng trùng khớp với các bằng chứng khảo cổ.
Vươn ra khỏi châu Phi
Cũng chỉ vài nghìn năm trước khi thổ dân bắt đầu đặt chân lên nước Úc, một phần nhỏ cư dân châu Phi cũng rời bỏ quê hương của họ. Trong quá trình di cư, họ gặp và lai giống với người Nê-an-đéc-tan trước khi nhanh chóng sinh sôi và đi đến mọi vùng trên trái đất.
Họ trở thành tổ tiên của người hiện đại sống ở các châu lục khác ngoài châu Phi, những người có đặc điểm được quyết định một phần do mang 2,5% DNA của người Nê-an-đéc-tan trong toàn bộ hệ gen của mình.
Các nhà khoa học đã tìm thấy những đặc điểm này ở thổ dân châu Úc. Điều đó cho thấy những thổ dân này chính là một phần của chủng tộc châu Phi đã bị phân tán, và di cư đến châu Úc gần như ngay lập tức sau khi họ đi khỏi châu Phi.
Làm sao để tới được nước Úc từ 50.000 năm trước?
Cao trào của những cuộc di dân khỏi châu Phi đến châu Úc là hàng loạt những chuyến vượt biển đầy nguy hiểm vượt qua các đảo ở khu vực Đông Nam Á.
Những nghiên cứu mới đây cho rằng chuyến vượt biển cuối cùng rất có khả năng là đi từ đảo Roti của Timor đến vùng biển phía Bắc Kimberly, và đòi hỏi những kĩ năng lập kế hoạch di chuyển cực kì tốt, bởi đây là chuyến đi cần từ 4 đến 7 ngày chèo lái những chiếc bè, mảng mang tổng số người khoảng từ trên 100 đến 400 người.
Rất có khả năng những đợt di dân trước đó của những người rời bỏ châu Phi đã xảy ra trước cả 50.000 năm trước. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây không tìm ra bằng chứng hóa thạch nào đủ thuyết phục cho giả thiết này.
Chỉ có một bằng chứng là một địa điểm trước đây ở miền Bắc nước Úc, ở vùng Madjedbebe, có những đồ chế tác bằng đá ở Arnhem Land và người ta cho rằng con người đã có mặt ở đây từ hơn 65.000 năm trước.
Con số 65.000 năm này nhanh chóng được chấp nhận và coi là thời điểm châu Úc bắt đầu bị đô hộ. Truyền thông, rồi cả các tuyên bố chính trị và nhận định của Thủ tướng Úc cũng nói như vậy.
Tuy nhiên, hoàn toàn có sơ sở để nghi ngờ con số 65.000 năm này, bởi vì nó trái ngược với các bằng chứng khảo cổ của làn sóng di dân đột ngột quét qua nước Úc rất nhanh sau thời điểm 50.000 năm trước.
Công tác khảo cổ đã được tiến hành ở Barrow Island và Carpenters Gap ở Kimberly, Devils Lair phía nam Perth, Willandra Lakes ở New South Wales và túp lều đá Warratyi ở Flinders Ranges.
Dấu tích khảo cổ của cuộc di dân 50.000 năm trước hoàn toàn trùng khớp với các bằng chứng di truyền của các giống người thổ dân và càng chính xác hơn nữa khi so với đợt tuyệt chủng của quần thể động vật ở Úc khoảng 42.000 năm trước.
Giới hạn thời kì di cư của loài người
Một trong những cách thú vị nhất để chúng ta có thể xác định thời điểm người hiện đại phân tán ra khắp thế giới, kể cả đến tận Úc, là thông qua sự kiện lai giống đầu tiên với người Nê-an-đéc-tan khi rời bỏ châu Phi.
Khoảng 1 thập kỉ trước đây, một người săn voi lấy ngà đã tìm thấy xương chân của người cổ đại bên bờ một con sông ở vùng Si-bê-ri. Xác định niên đại bằng các-bon phóng xạ cho thấy tuổi của các xương đó là 43.000 – 45.000 năm, toàn bộ hệ gen của người này – được đặt tên là Ust’-Ishim theo tên địa danh tìm thấy xương – đã được sắp xếp bằng công nghệ mới nhất về xác định DNA cổ đại.
Việc sắp chuỗi hệ gen của Ust’-Ishim cho thấy những xương đó chứa đúng 2.5% dấu hiệu DNA Nê-an-đéc-tan của giống người không phải là người châu Phi. Tuy nhiên, các DNA này vẫn sắp thành những khối lớn liền nhau và chưa phân tán thành các mảnh nhỏ trên toàn bộ hệ gen như ở tổ tiên gần đây của chúng ta cũng như ở chính chúng ta ngày nay.
Trên thực tế, kích thước các khối cho thấy rằng giống người sinh sống 43.000 – 45.000 năm trước như Ust’-Ishim chỉ có thể kéo dài tối đa trong khoảng 230 – 430 thế hệ sau khi bắt đầu tiếp xúc với người Nê-an-đéc-tan, suy ra là người cổ đại châu Phi đi khỏi quê hương không thể nào sớm hơn 50.000 – 55.000 năm trước.
50.000 năm hay còn sớm hơn cả 65.000 năm?
Mặc dù đã có những bằng chứng rõ rệt là tổ tiên của loài người hiện đại chỉ bắt đầu di chuyển đến khắp nơi trên thế giới khoảng 50.000 – 55.000 năm trước, nhưng cũng nên xem xét liệu hoạt động của loài người ở Madjedbebe có thực sự diễn ra từ cách đây hơn 65.000 năm hay không.
Một trong những giới hạn chính của nghiên cứu về Madjedbebe là những đồ tạo tác bằng đá không được xác định niên đại, mà chỉ có các lớp cát xung quanh được xác định niên đại mà thôi.
Vì thế, qua thời gian, ngay cả những chuyển động trôi xuống dù là nhỏ nhất của các đồ đá đó diễn ra trong những lớp cát không vững chắc ở Madjedbebe cũng làm cho chúng có vẻ bề ngoài như rất cũ.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã xác định một loạt các yếu tố phổ biến xung quanh khu vực đó, như là mối mọt ăn ruỗng và mưa lớn, có thể là nguyên nhân khiến các đồ đá này lún dần.
Trong khi đó, nhiều dấu vết khảo cổ cho thấy hoạt động ở Madjedbebe thực sự xảy ra rất lâu sau thời điểm 65.000 trước.
Sự kết nối với đất nước này
Cho dù là thời điểm nào đi nữa thì thổ dân châu Phi rời bỏ quê hương mình được bao lâu thì thổ dân Úc cũng đã sinh sống từng đấy thời gian ở châu lục này. Bằng đấy thời gian gắn bó với nơi đây, lịch sử, hiểu biết và giống loài của họ đã góp phần định hình nên đất nước này.
Chính hố sâu ngăn cách giữa một bên là lịch sử di dân liên tục của châu Âu và sự phân tán loài người ra khắp năm châu bốn biển với một bên là sự kết nối sâu đậm của thổ dân nơi đây với vùng đất đặc biệt này của thế giới, đã dẫn đến những nhận thức sai lệch về lí do tại sao duy trì lối sống truyền thống không chỉ đơn giản là “một lựa chọn lối sống” mà là một phần căn bản của bản sắc của họ.
Phạm Hưởng (Theo The Conversation)