1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Những sự thật thú vị về trạm vũ trụ quốc tế ISS

(Dân trí) - Trạm vũ trụ quốc tế ISS (International Space Station) đã chào mừng sinh nhật lần thứ 19 vào ngày 6/12 vừa qua. Cùng khám phá thêm những thông tin thú vị về trạm vũ trụ ISS qua bài viết dưới đây.

Ngày 6/12 vừa qua là kỷ niệm tròn 19 năm kể từ khi trạm vũ trụ ISS bắt đầu được hình thành, khi 2 mô-đun của trạm vũ trụ này được lắp ráp với nhau trên không gian. Một điều khá thú vị là 2 mô-đun của ISS được phát triển bởi 2 quốc gia khác nhau, cũng là 2 quốc gia có ngành khoa học vũ trụ phát triển nhất thế giới là Nga và Mỹ.

Phần mô-đun do Mỹ phát triển có tên gọi Unity, trong khi phần mô-đun do Nga xây dựng có tên gọi Zarya. Hai mô-đun này đã lắp ráp với nhau trên quỹ đạo của trái đất và vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

Trạm vũ trụ ISS đã được lắp ráp và hoạt động 19 năm trên quỹ đạo trái đất
Trạm vũ trụ ISS đã được lắp ráp và hoạt động 19 năm trên quỹ đạo trái đất

Tuy nhiên việc kết hợp 2 mô-đun chỉ là bước đánh dấu cho quá trình phát triển và xây dựng ISS từ đó cho đến nay. Kể từ năm 2000, khi các phi hành gia đầu tiên đặt chân lên trạm vũ trụ quốc tế ISS thì trong 17 năm qua, chưa có thời điểm nào ISS vắng bóng sự hiện diện của con người. Tính đến nay đã có hơn 200 người, là các phi hành gia và các nhà khoa học với nhiều quốc tịch khác nhau, đặt chân lên trạm vũ trụ ISS.

Hiện quá trình xây dựng và phát triển của ISS vẫn đang được tiếp tục để có thể tạo nên một phòng thí nghiệm khổng lồ trên quỹ đạo của trái đất. Trạm ISS có khối lượng gần 420 nghìn tấn, sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động với một mảng pin năng lượng mặt trời lớn tương đương 8 sân bóng rổ được phủ xung quanh trạm.

Bên trong trạm ISS được trang bị những thứ cần thiết cho sinh hoạt của các phi hành gia, bao gồm 2 phòng tắm, một phòng tập gym cũng như khu ngủ nghỉ và hơn 50 máy tính để điều khiển trạm không gian này.

Trạm ISS có thể chứa tối đa 9 phi hành gia, nhưng thường chỉ có từng nhóm 3 người hiện diện trên trạm vũ trụ này
Trạm ISS có thể chứa tối đa 9 phi hành gia, nhưng thường chỉ có từng nhóm 3 người hiện diện trên trạm vũ trụ này

Trạm ISS có thể duy trì tối đa 9 nhà khoa học, tuy nhiên thường chỉ có 3 phi hành gia hiện diện trên trạm vũ trụ này. Các nhóm phi hành gia 3 người sẽ thay đổi luân phiên hoạt động sau một quá trình nghiên cứu trên ISS.

Cuộc sống của các phi hành gia trên ISS cũng rất khác biệt so với cuộc sống trên địa cùng vì thiếu đi trọng lực và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm sẽ được cung cấp cho các phi hành gia tư địa cầu thông qua những chuyến tàu vũ trụ chở hàng, trong khi đó nước thường sẽ được tái chế để uống hoặc tắm rửa. Phi hành gia cũng phải làm quen với cách sử dụng nước khác biệt so với ở địa cầu khi nước sẽ tồn tại dưới dạng những giọt nước hoặc quả cầu nhỏ do không có trọng lực.

Hiện trạm vũ trụ quốc tế ISS đang bay ở độ cao 354km so với mực nước biển và di chuyển với tốc độ 27.358km/h (17.000 dặm/giờ), giúp cho trạm vũ trụ này có thể di chuyển được 16 vòng quỹ đạo xung quanh trái đất mỗi ngày.

Phi hành gia người Mỹ Jack Fischer bên trong buồng ngủ trên ISS
Phi hành gia người Mỹ Jack Fischer bên trong buồng ngủ trên ISS

Một điều khá thú vị là những người trên địa cầu hoàn toàn có thể nhìn thấy trạm ISS bằng mắt thường. Dấu hiệu để nhận thấy đó là trạm vũ trụ ISS trên bầu trời, chứ không phải là một chiếc máy bay thương mại, đó là ISS di chuyển nhanh hơn máy bay thương mại, nhưng chậm hơn một ngôi sao băng, và nó phát ra ánh sáng liên tục do phản chiếu ánh nắng mặt trời. Dĩ nhiên cần phải tra cứu lịch di chuyển của ISS để bạn có thể biết được lúc nào thì trạm vũ trụ này di chuyển qua khu vực bạn đang sinh sống.

Sau 19 năm được lắp ráp và hoạt động trên quỹ đạo của trái đất, trạm vũ trụ ISS vẫn đang tiếp tục được phát triển và thực hiện các thí nghiệm khoa học về sự phát triển của cây trồng, các loài vi sinh vật... trong môi trường không gian cũng như khám phá sức khỏe của các phi hành gia sau một thời gian dài sống trên ISS và khi trở về trái đất. Hơn hết, sự tồn tại của ISS như là một minh chứng cho thấy khát vọng khám phá không gian và vươn ra vũ trụ của con người.

Phi hành gia người mỹ Jack Fisher giới thiệu không gian bên trong trạm ISS

Phi hành gia người Canada Chris Hadfield thực hiện một vài thí nghiệm thú vị với nước trên ISS

T.Thủy
Tổng hợp