1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Những sinh vật biển sâu nhỏ bé “tự chế” áo giáp của riêng mình để không bị nghiền nát

(Dân trí) - Cuộc sống không dễ dàng ở đáy biển sâu gần 11.000m. Làm thế nào để tồn tại? Các nhà khoa học gần đây đã làm sáng tỏ cách các sinh vật nhỏ bé có thể sống sót ở độ sâu phi thường này.

Loài lưỡng cư Hirondellea gigas (1 loài giáp xác nhỏ) đã tự chế tạo ra những bộ áo giáp siêu nhỏ để chống lại áp lực của nước và nhiệt độ siêu lạnh dưới đáy biển.

Những sinh vật biển sâu nhỏ bé “tự chế” áo giáp của riêng mình để không bị nghiền nát - 1
Loài Hirondellea gigas có khả năng đặc biệt tồn tại dưới khu vực biển sâu nhờ “áo giáp” đặc biệt.

Những sinh vật giống tôm này thường hút chất trầm tích giàu kim loại dưới đáy đại dương và trộn nó với hóa chất đường ruột để tạo ra một loại gel hydroxit nhôm bảo vệ.

"Các ion nhôm chiết xuất được chuyển thành trạng thái gel của nhôm hydroxit trong nước biển và gel này bao phủ cơ thể Hirondellea gigas để bảo vệ. Loại gel nhôm này là một vật liệu tốt để thích nghi với môi trường áp suất cao như vậy", các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hàng hải Nhật Bản và Đại học Toyo cho biết.

Để điều tra bí ẩn về cách Hirondellea gigas có thể sống sót, các nhà nghiên cứu đã thu thập một loạt các loài lưỡng cư dưới biển sâu sau đó, họ đã nghiên cứu thêm trầm tích và phân tích các phản ứng.

Theo nhóm nghiên cứu, lớp vỏ gel nhôm tự chế mà Hirondellea gigas sản xuất còn có thể xua đuổi động vật săn mồi cũng như giúp các sinh vật đối phó với áp lực mạnh mẽ.

Đây cũng là một kỹ thuật có thể giúp phát triển tàu lặn dưới biển sâu trong tương lai. Nghiên cứu cũng cho chúng ta hiểu thêm về cách các hệ sinh thái dưới nước hoạt động ở độ sâu lớn ở cả áp suất cao và nhiệt độ rất lạnh.

Sau các bằng chứng, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã kết luận: "Gel nhôm và các thành phần hữu cơ sẽ hoạt động như một lá chắn chống lại áp suất cao và giữ canxit để cho phép Hirondellea gigas sống sót dưới đáy biển sâu nhất”.

Khôi Nguyên (Theo Science Alert)