1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Những lưu ý về sức khoẻ ngày hè

(Dân trí) - Mùa hè, nắng ấm, ít mưa là thời gian thích hợp để dã ngoại, cắm trại, tắm biển, leo núi, thể thao ngoài trời…Nhưng, mùa hè cũng tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe như sốc nhiệt, bệnh da do tia tử ngoại, giông sét, đuối biển...

Để thưởng thức trọn vẹn những ngày hè thú vị, cần lưu ý một số vấn đề liên quan sức khỏe sau:

Những lưu ý về sức khoẻ ngày hè - 1

1. Sốc nhiệt hay trúng nóng

Nhiệt độ cơ thể luôn được giữ ổn định ở mức 37°C nhờ trung tâm điều nhiệt trung ương ở vùng dưới đồi. Nhiều bệnh lý làm rối trung tâm điều nhiệt khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt như sốt, trúng nóng, say nắng mùa hè… hoặc bị hạ thân nhiệt như giá rét, tê cóng mùa đông.

Trúng nóng, sốc nhiệt (heat shock, heat stroke) là một dạng rối loạn thân nhiệt bệnh lý do nhiệt độ môi trường sống cao quá mức thích nghi, “tự làm mát” của cơ thể. Trong trúng nóng nặng (sốc nhiệt) thân nhiệt có thể cao đến 40°C, nếu không “giải” nóng có thể nguy đến tính mạng.


Đội nón, khoác áo bảo hộ, uống đủ nước khi làm việc ngoài nắng

Đội nón, khoác áo bảo hộ, uống đủ nước khi làm việc ngoài nắng

Trúng nóng thường có những dấu hiệu: thân nhiệt tăng cao, khát nước dữ dội, thở nhanh, thở hổn hển, mạch nhanh, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt ngất, tái nhợt… Bốn biện pháp đơn giản nhằm làm hạ thân nhiệt: (1) đưa người bị nạn vào nơi mát mẻ, (2) lau mát toàn thân, có thể chườm nước lạnh, nước mát, thậm chí nước đá, cũng có thể giội nước hoặc cho tắm, (3) bù lại nước và muối khoáng mất đi bằng cách cho uống nước khoáng, nước chanh muối, nước hoa quả, nước oresol như người bị tiêu chảy, và (4) đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thêm vì trúng nóng nặng có thể làm người bệnh lơ mơ, co giật, hôn mê…

2. Mất nước và điện giải

Nước chiếm sáu phần mười trọng lượng. Cùng với các chất điện giải, nước tạo thành nội môi trường cho các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Rối loạn nội môi này rất nghiêm trọng với sức khỏe con người.

Mùa hè, tiết trời nóng nực, cơ thể sẽ phải tăng tiết mồ hôi để giải nhiệt qua nhiệt lượng bay hơi nước. Dịch mồ hôi gồm nước, muối khoáng và một số chất hòa tan, nếu thải ra quá nhiều cơ thể sẽ mất nước và khoáng chất.

Những lưu ý về sức khoẻ ngày hè - 3

Do đó, khi lao động, vui chơi … dưới nắng hè cần nhớ phải uống đủ nước để bù lại cho cơ thể số lượng đã mất đi.

3. Ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy

Là hai bệnh tiêu hóa phổ biến mùa hè. Nhiệt độ cao thuận lợi cho sự phát triển các loại vi khuẩn và nấm gây ôi, thiu, hư hỏng thức ăn. Các tác nhân gây bệnh như E.coli, Salmonella, Campylobacter, Listeria monocytogenes, Vibrio cholerae…cũng phát triển mạnh gây bệnh tiêu chảy cấp, nhiều lúc gây đợt dịch địa phương.

Ăn chín, uống sôi, vệ sinh thực phẩm đúng qui trình là cách phòng bệnh đường ruột mùa hè đơn giản và hiệu quả..

4. Bệnh da và mắt do nắng hè

Ngoài dãy quang phổ bảy màu thấy được, trong ánh nắng còn có ba loại tia cực tím A, B và C. Bên cạnh lợi ích giúp da tổng hợp vitamin D từ cholesterol, tia cực tím có thể gây ra nhiều tác hại cho làn da con người: cấp thời là bỏng, dị ứng nắng và lâu dài là lão hóa, ức chế hệ miễn dịch, đục thủy tinh thể mắt, ung thư da….

Những tổn thương da do ánh nắng gồm: (1) Bỏng nắng (viêm da ánh sáng, sunburn); (2) Ban rộp da do ánh nắng mặt trời (polymorphous light eruption, PLE); (3) Bùng phát những bệnh liên quan như bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, nám da…; (4) Lão hóa da do tia cực tím (photoaging) do rối loạn dinh dưỡng, sắc tố…(5) Ung thư da, Cả ba loại tia cực tím A, B và C đều có thể làm tổn thương da, tăng quá trình lão hóa, tổn thương DNA, tạo ra nhiều gốc tự do, gây tăng sinh tế bào viêm ở trung bì và lâu dài gây ung thư da.

Bốn biện pháp để bảo vệ da, tránh tổn thương do ánh nắng:

1. Hạn chế ra ngoài nắng, đặc biệt giữa trưa khi ánh nắng có cường độ tia cực tím mạnh nhất.

2. Đội mũ rộng vành, mang kiếng râm, mặc áo dài tay, quần dài vải dệt sít.

3. Dùng kem chống nắng có độ SPF 30+ hoặc hơn. Thoa kem trước khi ra nắng khoảng 20 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ.

4. Khám kiểm tra da khi thấy có đốm rộp, nốt ruồi, tàn nhang…


Các biện pháp bảo vệ da tránh tia tử ngoại trong nắng

Các biện pháp bảo vệ da tránh tia tử ngoại trong nắng

5. Tắm biển mùa hè, cần canh dè “dòng nước ngược”!

Gió thổi xua sóng xô nước biển vào bờ, sau đó dòng nước biển này chảy ngược lại ra biển gọi là dòng nước ngược xa bờ (rip current). Hầu như, các bãi tắm đều có dòng chảy ngược xa bờ này.

Dòng chảy ngược xa bờ thường hẹp, nước chảy siết sát đáy biển, tốc độ trung bình 1 mét/ giây, có lúc nó chảy nhanh đến 2 -3 mét/ giây. Điểm nguy hiểm là mặt nước ở trên dòng ngược thường phẳng lặng, không sóng. Đây cái “bẫy” kéo chân và nhấn chìm người tắm biển ra khơi.

Những lưu ý về sức khoẻ ngày hè - 5

Theo các chuyên gia cứu hộ, để thoát khỏi dòng chảy ngược xa bờ, người tắm biển cần: Bình tĩnh, không hoảng loạn; Không bơi ngược dòng chảy để cố vào bờ; và Bơi song song bờ, hướng đến chỗ có sóng bạc đầu để sóng này đẩy vào bờ.

6. Tránh sét khi trời giông

Sét là sự phóng điện từ các đám mây giông xuống mặt đất. Dòng điện của tia sấm sét có cường độ cực mạnh và nhiệt độ cũng rất cao. Ở Việt Nam, sét thường xuất hiện trong các cơn giông mùa hè.

Những lưu ý về sức khoẻ ngày hè - 6

Là tia lửa điện, sét có thể gây thương tích bằng cách trực tiếp đánh thẳng vào nạn nhân, phóng qua khoảng không, qua vật bị sét đánh tới nạn nhân...

Vì sét là chớp điện từ đám mây xuống mặt đất, nên sét thường đánh ở những vị trí cao như đỉnh núi, ngọn rừng, ngọn cây to trên đồng vắng…. Do đó, mùa hè khi trời chuyển giông không nên ngồi trên chòi cao, núp dưới cây to, đi trên đồng vắng…là những vị trí cao dễ bị sét đánh vào.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam