Nhiều nước trong khu vực đã thuê lại vệ tinh của Việt Nam

(Dân trí) - Vệ tinh thông tin trái đất, vệ tinh quan sát trái đất, trạm thu mặt đất ảnh vệ tinh, hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường và nguồn thủy lợi hải sản,... từ chỗ đi thuê vệ tinh, hiện nhiều nước trong khu vực đã thuê lại khá lớn dung lượng vệ tinh của Việt Nam.

Đó là khẳng định của ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại Hội thảo “Các thành tựu nổi bật về nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ vũ trụ giai đoạn 2006 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016 – 2020”, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 30/9, tại Hà Nội. Buổi Hội thảo có sự tham gia của đại diện Văn phòng Uỷ ban Vũ trụ, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Viện Điều tra...

Theo báo cáo của Văn phòng Uỷ ban Vũ trụ, sau gần 10 năm triển khai chiến lược, đến nay, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đã được phát triển tại nhiều ngành, trong đó phát triển nhiều nhất ở các Bộ, cơ quan thành viên của Uỷ ban Vũ trụ. Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh cho các ngành đã được mở rộng và thường xuyên triển khai tại Việt Nam trong các lĩnh vực Kinh tế, Xã hội, Tài nguyên, Môi trường, Quốc phòng và An ninh... ở hầu khắp các vùng miền của tổ quốc, từ vùng núi cao đến biên giới, các vùng hải phận xa xôi thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã đầu tư sở hữu nhiều thiết bị vũ trụ như: Vệ tinh thông tin truyền thông Vinasat-1 và 2 do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý; Vệ tinh quan sát Trái đất Vnredsat-1 do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam quản lý; Trạm thu mặt đất ảnh vệ tinh Spot do Bộ TN&MT quản lý; Hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn thủy lợi hải sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar do Bộ NN&PTNT quản lý...

Bên cạnh đó, hệ thống các phòng thí nghiệm cơ bản là nền móng của công nghệ vũ trụ như Vật liệu, Y sinh, Công nghệ sinh học, Vật liệu nano... được hình thành từ những năm 1980 đến nay.

Ngoài ra, lĩnh vực tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh là nguồn tài nguyên hữu hạn, có khả năng phủ sóng rộng, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, việc thiết lập đường truyền đơn giản, nhanh chóng.

Chia sẻ bên lề Hội thảo với Dân Trí, ông Đoàn Quang Hoan – Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết: “Việt Nam là nước đi đầu và thành công trong việc dành vị trí quỹ đạo trong băng tần quy hoạch. Trong đó, vệ tinh Vinasat-2 có công suất, trọng lượng và số bộ phát đáp nhiều hơn so với các vệ tinh khác. Do chỉ được xây dựng với băng tần Ku nên vệ tinh Vinasat-1 có thời gian sống 15 năm. Nhưng chúng tôi mong muốn, vệ tinh Vinasat-1 không chỉ sống 15 năm, mà thọ lâu hơn nữa, có thể là 17 năm hoặc 20 năm sẽ là tín hiệu vui cho Việt Nam”.

Cũng theo ông Hoan: “Trước khi vệ tinh Vinasat-1 hết hạn, bước sang năm 2017, Cục và các cơ quan liên quan sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch thay mới theo lộ trình hạn tuổi của vệ tinh sau thời gian sống 15 năm, triển khai dịch vụ vệ tinh băng rộng, nâng cao năng lực kiểm soát vệ tinh... với mong muốn Vinasat-2 cùng với Vinasat-1 sẽ tạo thành hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia. Đồng thời góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh. Chất lượng các chỉ tiêu kỹ thuật của vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 tốt hơn so với các vệ tinh khác trong khu vực.

Tuy nhiên, trong trường hợp vệ tinh Vinasat-1 hết tuổi thọ và chúng ta không triển khai ngay dự án vệ tinh thay thế, Cục tần số có thể sẽ yêu cầu Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) áp dụng điều khoản tạm ngưng sử dụng vệ tinh. Thời gian tối đa giữ được quỹ đạo và tần số tại vị trí 132E là 3 năm kể từ ngày thông báo tạm dừng. Sau thời gian trên, các hồ sơ vệ tinh của Việt Nam sẽ bị hủy bỏ theo các quy định của Thể lệ quốc tế”.

Để thực hiện được những kế hoạch, giải pháp phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ trong giai đoạn 2016 – 2020, trong khi nền công nghệ vũ trụ còn khá là vĩ mô đối với quần chúng nhân dân, thì việc tham mưu đầu tư tài chính cần có sự đồng bộ ra sao và sự khó khăn cần được tháo gỡ như thế nào?


PGS.TS Nguyễn Bá Diễn – Giảng viên cao cấp khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Bá Diễn – Giảng viên cao cấp khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Bá Diễn – Giảng viên cao cấp khoa Luật (ĐH Quốc Gia Hà Nội) chia sẻ với báo Dân Trí: “Nhà nước cần phải có sự đầu tư, phải có quan niệm rằng việc đầu tư khoa học vũ trụ và chiếm lĩnh vũ trụ là điều tất yếu, coi đây là việc cần được toàn tâm toàn ý, lâu dài, phải có những giải pháp đồng bộ từ đầu tư nguồn lực, tài chính, đầu tư nguồn nhân lực đến đào tạo, hợp tác quốc tế và có những chiến lược cụ thể.

Nhà nước phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc đầu tư khoa học vũ trụ. Đặc biệt, việc chiếm lĩnh khoảng không vũ trụ có tầm quan trọng về hiệu quả, hiệu năng và mang lại lợi ích như thế nào đối với nhân dân”.

Cũng theo báo cáo của Cục Tần số vô tuyến điện, trong giai đoạn 2016 – 2020, việc nghiên cứu khả thi của dự án vệ tinh thay thế Vinasat-1 cần sớm được thực hiện trước khi vệ tinh Vinasat-1 ngừng sử dụng tránh để lãng phí nguồn tài nguyên phổ tần. Công tác kiểm soát vệ tinh và cung cấp dịch vụ băng rộng vệ tinh cần tiếp tục được thúc đẩy... là hướng đi thiết thực nhằm góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

Ma Loan