Nhiều loại virus có thể gây ra những đại dịch tiếp theo với loài người
(Dân trí) - Công cụ trực tuyến mới giúp xếp hạng, đánh giá khả năng của các loại virus thể chuyển từ động vật sang người và gây ra đại dịch trong tương lai.
Công cụ do các nhà nghiên cứu từ Đại học bang California (UC Davis) phát minh và vẫn đang tiếp tục phát triển, có tên SpillOver. Về cơ bản nó tạo ra một danh sách theo dõi các loại virus từ động vật mới được phát hiện có mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Nhóm nghiên cứu hy vọng công cụ truy cập mở của họ sẽ được các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, quan chức y tế công cộng sử dụng để xem xét các loại virus phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát và giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như có thể phát triển vắc-xin hoặc phương pháp điều trị trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhà nghiên cứu Zoë Grange, người dẫn đầu trong việc phát triển SpillOver tại Đại học California, Davis (UC Davis), cho biết: "Chúng ta không chỉ cần xác định mà còn ưu tiên xem xét các mối đe dọa, nguy cơ có thể lan truyền trước khi một đại dịch tàn khốc khác xảy ra".
Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, hiện có khoảng 250 loại virus được biết đến có nguồn gốc từ động vật, có nghĩa là chúng đã lây lan từ động vật sang người. Tuy nhiên, mỗi loại virus lại có khả năng thực hiện chuyển đổi từ động vật sang người khác nhau. Vì vậy, họ đã tạo ra một điểm số cho từng loại virus như một cách đánh giá và so sánh các rủi ro của chúng có thể gây ra.
Để đưa ra điểm số, công cụ xem xét 32 yếu tố nguy cơ liên quan đến virus và vật chủ của nó. Đơn cử như một số loài động vật mà virus lây nhiễm và tần suất con người tương tác với động vật hoang dã ở những nơi virus được phát hiện.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng công cụ SpillOver để xếp hạng 887 loại virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã dựa trên nguy cơ lây lan của chúng. Đặc biệt, hầu hết các loại virus có trong bảng xếp hạng đều mới được phát hiện, một số loại đã được biết là có nguồn gốc từ động vật.
12 loại virus hàng đầu trong danh sách là các mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người, với virus Lassa đứng đầu, SARS-CoV-2 đứng thứ hai và virus Ebola đứng thứ ba. Vật chủ chính của virus Lassa là chuột, vật chủ chính của virus Ebola được cho là dơi. Vật chủ chính của SARS-CoV-2 chưa được biết rõ, nhưng virus đã được phát hiện lây nhiễm cho chồn, sư tử và hổ.
Với mối đe dọa rộng lớn hiện nay đối với sức khỏe con người, tại sao SARS-CoV-2 lại không xếp hạng đầu tiên? Giải thích về điều này, các nhà nghiên cứu cho biết công cụ của họ xếp hạng tiềm năng cho các sự kiện lan tỏa trong tương lai. Một số thông tin quan trọng về SARS-CoV-2 vẫn chưa được biết đến, chẳng hạn như số lượng loài vật chủ mà nó lây nhiễm. Nó vẫn có thể chiếm vị trí hàng đầu khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm.
Các tác giả nhấn mạnh SpillOver là một nền tảng có nguồn cung ứng dữ liệu từ cộng đồng mở, cho phép các nhà nghiên cứu khác cũng thể đóng góp dữ liệu về các virus đã có trong danh sách hoặc thêm virus mới vào danh sách. Thứ hạng các virus có thể thay đổi khi dữ liệu mới được thêm vào.
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Jonna Mazet từ UC Davis, cho rằng: "SpillOver có thể giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về các mối đe dọa sức khỏe do virus gây ra và cho phép chúng ta tính phương án hành động sớm nhằm giảm nguy cơ lây lan trước khi đại dịch có thể bùng phát trong tương lai".